Tùy đặc thù của loại dưỡng chất có trong từng loại rau củ mà bạn nên cân nhắc nấu chín hoặc để sống ăn sẽ có lợi cho sức khỏe.
Cà rốt
Trong cà rốt có chứa hợp chất beta-caroten. Đây chính là tiền chất để cơ thể tổng hợp thành vitamin A rất tốt cho mắt và da. Nấu chín cà rốt sẽ làm tăng hàm lượng của hợp chất này.
Chính vì vậy các bà nội trợ có thể thoải mái cho cà rốt vào các món hầm hay canh xương mà không sợ bị mất chất dinh dưỡng.
|
Ảnh minh họa. |
Cà chua
Cà chua chứa lycopene- chất có khả năng chống bệnh ung thư. Theo tạp chí International Journal of Food Sciences and Nutrition, nếu chỉ ăn cà chua tươi sống, lượng Lycopane hấp thụ được sẽ không vượt quá 4%.
Nguyên nhân là do thành tế bào của cà chua sống khá dày khiến cơ thể khó hấp thụ lycopene. Bởi vậy, nấu chín là phương pháp giúp bạn khai thác tối đa nguồn dưỡng chất trong cà chua.
Măng tây
Măng tây rất giàu folate, các vitamin A, C và E. Tuy nhiên, do có lớp vỏ bảo vệ dày nên ta khó lòng hấp thụ các vitamin có trong loại rau này. Vì vậy nếu nấu chín măng tây để có thể dễ dàng hấp thụ các chất dinh dưỡng.
Bắp cải
Bắp cải khi nấu lên sẽ tạo thành indole, đây là một hợp chất hữu cơ tiêu diệt các tế bào ung thư trước khi chúng trở thành tế bào ác tính.
Củ cải đường
Tiếp xúc với nhiệt trong quá trình đun nấu sẽ làm giảm hàm lượng vitamin B có trong củ cải đường. Vì vậy, nên ăn củ cải đường ở dạng tươi để bảo toàn nguồn dinh dưỡng nguyên thủy.
Ớt chuông đỏ
Hàm lượng vitamin C có trong ớt sẽ giảm đáng kể nếu chúng tiếp xúc với nhiệt độ trên 375 độ C. Nếu chế biến ớt ở nhiệt độ thấp và trong khoảng thời gian ngắn sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến lượng vitamin C.
Bông cải xanh
Ngoài ra, ăn bông cải xanh sống sẽ giúp bạn hấp thụ sulforaphane hơn (sulforaphane là hợp chất chống ung thư). Nếu nấu lên sẽ làm giảm một lượng đáng kể chất này.
Rau chân vịt
Rau này còn gọi là cải bó xôi, rau bina, đây là nguyên liệu cho những món salad tuyệt vời. Lượng folate (vitamin B9 hay axit Folic) trong rau chân vịt sẽ bị phá vỡ khi nấu chín.
Theo Trần Thường/Vietnamnet