Nhằm hướng tới đa dạng hóa các loại rau trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đồng thời giữ gìn nghề trồng rau truyền thống của cha ông, HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn, Bình Định) được thành lập với 65 hộ dân tham gia, canh tác trên diện tích 36 ha.
Cô Nguyễn Thị Tùng, hạnh phúc bên vườn rau được bón từ phân hữu cơ và dịch rỉ trong quá trình ủ rác hữu cơ và phế phụ phẩm nông nghiệp. Chị Tùng là thành viên HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn, Bình Định) chủ yếu trồng các loại rau ăn lá, rau gia vị... Ảnh - Nguyễn Cường.
Hiện nay, diện tích sản xuất rau đã được chứng nhận VietGAP tại HTX là 19,05 ha, chủ yếu các loại rau ăn lá, rau gia vị, rau ăn quả…
Không chỉ dừng lại ở tiêu chuẩn VietGAP, bà con nông dân và HTX còn mong muốn nâng cao giá trị rau xanh của mình để cùng chung tay xây dựng nhãn hiệu rau an toàn “Lá Lành” đến với nhiều người hơn nữa.
Năm 2023, từ mô hình phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, các hộ nông dân tham gia từ mô hình đã trực tiếp phân loại, thu gom và xử lý rác thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp để ủ thành phân hữu cơ và sử dụng trên vườn rau của mình.
Rác hữu cơ sau phân loại và phế phụ phẩm nông nghiệp được thu gom về ủ trong các thùng ủ chuyên dùng trong thời gian từ 45 - 50 ngày, sau đó lấy ra bón lót trước khi trồng rau với liều lượng 50 kg phân hữu cơ sau ủ/500m2.
Trong quá trình chăm sóc rau ăn lá, dịch rỉ thu được trong quá trình ủ được pha loãng với nước theo tỉ lệ 1:50 tưới cho rau định kỳ 5 - 7 ngày/lần.
Từ kết quả thực hiện trong mô hình cho thấy rau cải xanh sinh trưởng phát triển tốt, đạt chiều cao 20 - 22cm, có 10 - 12 lá, ít các đối tượng sâu bệnh hại.
Rau cải xanh có thời gian từ khi gieo hạt đến thu hoạch là 25 ngày (tương đương với sản xuất theo truyền thống). Rau không sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học trong quá trình chăm sóc nên sản phẩm tạo ra rất an toàn cho người tiêu dùng.
Kỹ sư Nguyễn Cường - cán bộ kỹ thuật của mô hình cho biết: Việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải hữu cơ và phế phụ phẩm nông nghiệp phát sinh tại nguồn là góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất cho nông dân và kinh phí xử lý rác thải tập trung tại các hố chôn lấp tập trung.
Bà con đã tái sử dụng rác thải thành “tài nguyên” trong quá trình sử dụng. Phân hữu cơ và dịch rỉ từ quá trình ủ có đầy đủ các chất dinh dưỡng và hệ vi sinh vật có lợi giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh và bảo vệ “sức khỏe” đất, con người, từ đó giúp nông dân tạo ra sản phẩm rau an toàn, tiết kiệm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường xung quanh.
Tóm lại, sản xuất rau hữu cơ từ rác hữu cơ và phế phụ phẩm nông nghiệp là hướng sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường.
Theo Nguyễn Cường/Dân Việt