Rau má không đơn thuần chỉ là rau ăn, mà nó còn là một loại thảo dược. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, thành phần của rau má bao gồm nhiều loại vitamin, khoáng chất và các chất có lợi cho sức khỏe.
Từ xa xưa, rau má đã được dùng rất phổ biến làm rau sống ăn rất ngon, có thể trộn làm salat, sinh tố, luộc ăn hoặc có thể phơi khô sắc lấy nước uống, làm thuốc...
Theo Đông y, rau má có tác dụng giải nhiệt, giải độc tuyệt vời. Loại rau này còn được dùng để hạ huyết áp, giúp lưu thông máu, nhất là ở vùng tĩnh mạch và mao mạch.
Còn theo y học hiện đại, rau má có tác dụng chống lại sự lão hóa của da, thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da. Vì vậy, nhiều chị em đã lựa chọn chiết xuất của loại rau này trong ứng dụng làm đẹp.
Ảnh minh họa
Rau má ăn bao nhiêu là đủ?
Học viện Y tế tại Hoa Kỳ và châu Âu đã đưa ra khuyến cáo rằng rau má mặc dù an toàn nhưng không nên sử dụng quá 6 tuần mà không có chỉ định của bác sĩ.
Lượng dùng cho một ngày của một người bình thường được các nhà khoa học khuyên dùng là 1 cốc nước rau má, tương đương 40g rau má trở lại. Tuy nhiên, không nên dùng liên tục quá 1 tháng. Nếu muốn tiếp tục dùng thì nghỉ tối thiểu nửa tháng rồi mới dùng lại.
Thời điểm tốt nhất nên uống nước rau má
Theo Bác sĩ Đông y Nguyễn Văn Phái (Hội Đông y Việt Nam), thời điểm uống nước rau má tốt nhất đó là vào lúc 10 giờ sáng và 13 giờ chiều - bởi khi đó cơ thể cần nhiều nước nhất, uống nước rau má sẽ cung cấp lượng nước, khoáng chất, vitamin cần thiết cho cơ thể vận động tới hết ngày.
Tuy nhiên, những người mắc bệnh gan hoặc có tiền sử các bệnh tổn thương da, ung thư không nên dùng.
Ảnh minh họa
Cách uống nước rau má tốt nhất cho sức khỏe
- Ăn uống rau má cần sơ chế sạch, đảm bảo vệ sinh cả đồ dùng và rau để tránh nhiễm khuẩn (vì rau má mọc sát đất, có thể nhiễm vi khuẩn, thuốc trừ sâu…).
- Hạn chế ra nắng sau khi ăn uống nhiều rau má vì có hoạt chất phản ứng rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, ra nắng có thể bị bất tỉnh.
- Phụ nữ mang thai, cho con bú, bệnh nhân tiểu đường, bệnh gan, đang dùng thuốc chữa bệnh thì không nên dùng rau má. Nếu muốn dùng cần có ý kiến tư vấn bác sĩ.
- Người bị yếu bụng nếu ăn hoặc uống nước rau má nên kèm vài lát gừng sống.
- Mỗi ngày chỉ nên uống khoảng 40g rau má. Sau 1 tháng dùng rau má cần ngừng ít nhất nửa tháng rồi mới ăn uống tiếp.
4 nhóm người không nên dùng nước rau má
Ảnh minh họa
Người bị tiêu chảy
Theo Đông y, do có tính hàn và có công dụng giải nhiệt, nên nếu sử dụng nhiều sẽ dễ gây ra đầy bụng và tiêu chảy. Đặc biệt với người có thân nhiệt thấp và hay lạnh bụng thì càng dễ tiêu chảy, nếu uống nước rau má thì có thể thêm lát gừng để làm ấm bụng.
Người bị tiểu đường
Do có công dụng giải nhiệt cũng như yêu thích vị thơm ngon của rau má nên nhiều người sử dụng như món rau ăn hàng ngày, hoặc ép nước uống thay sinh tố. Việc dùng quá nhiều như vậy sẽ làm tăng lượng cholesterol và lượng đường trong máu. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh khác.
Người đang uống thuốc tây
Theo các chuyên gia, trong rau má có thành phần có thể tương tác với các thuốc gây buồn ngủ và thuốc chống co giật... làm ảnh hưởng tới sức khỏe. Bên cạnh đó, rau má còn làm giảm tác dụng của insulin, thuốc điều trị đái tháo đường và thuốc điều trị mỡ máu, khiến bệnh tình thêm nặng. Vì vậy, những người đang uống thuốc tây để trị bệnh thì nên kiêng rau má.
Phụ nữ trước và trong khi mang thai
Chuyên gia khuyên rằng, phụ nữ dự định mang thai và đang mang thai nên tránh ăn rau má, bởi chị em sử dụng lâu ngày sẽ làm giảm khả năng thụ thai. Ngoài ra các chất có trong loại rau này có thể dẫn đến khả năng sảy thai. Do vậy với chị em nào đang mong muốn có con thì nên hạn chế sử dụng rau má.
Theo M.H/Gia đình & Xã hội