Nói về gã, người bên ngoài thật sự thấy chẳng có điểm gì đáng để chê. Ngoại hình khá, lương cao, có "bốn bánh", lại chẳng tệ nạn rượu chè, cờ bạc hay gái gú gì. Cái khoản "gái" kia gã đi chơi lúc nào chịu chẳng ai biết, song ít nhất chưa thấy ầm ĩ vụ nào. Vợ gã chả phải phàn nàn về chuyện chung thủy của chồng, vậy hẳn 90% là không có rồi!
Tất nhiên ở đời đâu có ai hoàn hảo, song người chồng như thế có thể nói là tuyệt vời, là niềm ao ước của rất nhiều chị em. Nhưng sự đời đúng là trái khoáy. Đùng cái vợ gã lại nằng nặc đòi ly hôn khiến bao người phải bất ngờ ngã ngửa. Dân tình đoán già đoán non lí do, chung quy đều cho rằng vợ gã có bồ, chán chồng nên mới ruồng rẫy chồng như thế. Chứ đời nào chồng tốt, chồng ngon nhường ấy lại kiên quyết muốn bỏ.
Không ít người cám cảnh cho chị vợ, chỉ vì một phút nông nổi dính vào men ái tình mà đánh mất đi thứ quý giá bao người muốn có được. Sau này hối hận vô vàn thì cũng đã muộn, bát nước hất đi sao có thể lấy lại cho nổi. Và rằng nữa, đàn ông bên ngoài mồm miệng dẻo quẹo thế thôi, nhưng về sống cùng nhau mới biết, có khi còn chẳng bằng một góc của chồng mình. Lúc ấy thì khổ bản thân, khổ con cái, khổ bố mẹ đẻ, cuộc đời dở dang, nhỡ nhàng hết.
Song vợ gã bỏ ngoài tai tất cả lời khuyên của bạn bè thân, bố mẹ ruột, tới hàng xóm láng giềng và những người quen biết. Và dù gã đã xuống nước níu kéo nhưng vợ gã tuyên bố, nếu gã không kí đơn, vợ gã sẽ ly hôn đơn phương. Đến nước này mọi người đều chép miệng tiếc rẻ cho quyết định mù quáng của chị vợ, cũng chẳng thiết tha khuyên bảo nữa.
Sau khi nộp đơn, chị về nhà đẻ để trả cho mọi người một lời giải thích hợp lí. Sau khi nghe chị nói xong, ai cũng thở dài không khuyên can nữa, để chị tự quyết định hướng đi cho cuộc đời mình. Bởi lời biện giải của chị thật sự khiến không ai có thể ngờ nổi.
Trước đám cưới, chị và gã đi tìm thuê nhà bên ngoài để bắt đầu cuộc sống chung. Lúc cược tiền nhà với mua sắm đồ đạc, gã than đúng lúc kẹt tiền, vậy là chị rút tiền túi ra chi trả toàn bộ. Sắp thành vợ chồng, chị tính toàn gì cả với người đầu gối tay ấp với mình chứ? Cưới xong, gã đòi hết vàng cưới mà gia đình anh trao cho chị, anh nói mọi người không có điều kiện, trao cho đẹp mặt mà thôi. Chị vui vẻ trả lại, dù sao không phải đồ của mình, chị chẳng tham làm gì.
Trong thời gian chung sống, gã nói lương chị để chi tiêu hàng ngày, lương gã để tiết kiệm mua nhà, xe thì gã đã mua bằng tiền riêng từ trước khi kết hôn rồi. Chị đồng ý với phương án ấy, thậm chí còn chẳng đòi giữ lương gã, bởi gã bảo lương có bao nhiêu gã gửi ngân hàng hết, bảo chị cứ yên tâm bởi gã là người biết chi tiêu tiết kiệm. Thời gian chứng minh, quả thật gã không phải là người hoang phí, nên dần dà chị cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều nữa, yên chí vài năm nữa cả nhà sẽ có chỗ an cư, bởi lương gã đâu phải là thấp.
Vậy là chị cáng đáng từ tiền nhà, tiền ăn, điện nước các kiểu, cho tới sau này sinh con, vẫn một tay chị lo liệu từ A tới Z. Thậm chí chị nhờ gã mua gì cho con, gã còn than hết tiền sau đó bảo chị đưa tiền mới chịu đi mua. Chị nhờ gã lái xe đưa mẹ con đi đâu thì y như rằng gã đổ xăng rồi bảo chị trả tiền. Chưa nói thi thoảng gã còn vay tiền chị, với lí do tiền gã để trong ngân hàng hết rồi, không tiện rút ra. Tất nhiên sau đó làm gì thấy gã trả lại.
Nhiều khi chị thấy chồng mình dường như hơi quá đáng trong chuyện tiền nong. Chi phí cả một gia đình, gã không góp vào kể cả một xu lẻ, luôn có những lí do để trốn tránh, hơn nữa còn nghĩ cách "bòn rút" thêm từ vợ là đằng khác. Nhưng chị vẫn không tin chồng mình lại là người như thế, cho đến khi nhìn thấy quyển sổ tiết kiệm gửi ngân hàng gã mang về, song lại được đứng tên… mẹ đẻ gã. Và chị còn hỏi khéo được một chuyện, mẹ chồng không hề đòi lại vàng như gã nói, vậy có nghĩa chính gã tự đưa ra chủ ý và đút túi số tiền đó làm của riêng!
Nghĩ lại tất cả những gì trong 4 năm chung sống qua, chị quyết định thẳng thắn với gã 1 lần. Chị đòi xem sổ tiết kiệm, muốn biết rõ gã đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền, đồng thời bày tỏ mong muốn được mua nhà, nếu gã chưa đủ tiền thì chị sẽ vay mượn góp thêm vào. Gã quanh co tìm đủ lí do để không phải trình ra cái sổ tiết kiệm chẳng mang tên mình, mà biết giải thích thế nào khi nó lại được mang tên mẹ đẻ gã. Chuyện mua nhà gã phản đối kịch liệt, gã nói đợi vài năm nữa, giờ chưa phải lúc.
Chán nản, chị liệt kê áng chừng chi phí một tháng chi tiêu trong gia đình, rồi bắt gã trả chị một nửa trong cả 4 năm qua, và bắt đầu từ tháng sau, gã phải góp tiền sinh hoạt lẫn nuôi con hàng tháng, chị không chấp nhận một mình gánh vác nữa. Bởi lo cho gia đình, 4 năm qua chị chẳng để ra được đồng nào, còn gã thì đã có tài khoản kha khá, song cuối cùng chị lại chẳng có tí tẹo phần nào trong số ấy.
Gã tỏ rõ sự khó chịu, nói chị tính toán cả với chồng nọ kia. Chị tức quá hóa cười, gằn từng tiếng: "Nếu anh không tính toán, vậy anh chi tiêu toàn bộ trong gia đình như tôi đã làm 4 năm qua đi". Nói thật cho đến thời điểm này, chị cảm thấy lòng mình lạnh lẽo tột độ. Một con người ích kỉ đến cực điểm như thế, không hiểu gã lấy vợ làm gì? Để có người nuôi không mình ư? Còn chị, có một người chồng như thế để làm gì? Yêu thương đâu không thấy, chỉ thấy thêm nặng nợ và ức chế.
Chị ra tối hậu thư cho gã, một là gã trả tiền chị, chị còn phải tiết kiệm lo cho con, hơi đâu nuôi báo cô một gã đàn ông có rất nhiều tiền gửi trong ngân hàng lại chẳng có chút thương tiếc nào cho mẹ con chị. Hai là ly hôn, có chồng như thế thà chị ở một mình nuôi con cho nhẹ gánh. Đến nước ấy nhưng gã vẫn không muốn trả tiền cho chị. Chị viết đơn, kiên quyết đòi ly hôn. Gã vẫn chẳng muốn xì tiền trong túi ra. Chị nghĩ con người này keo kiệt tới mức bần tiện, thực sự hết thuốc chữa rồi. Thử đặt vào trường hợp sống còn, mà gã vẫn quyết định chọn tiền.
Đấy, nhìn bên ngoài đẹp chưa chắc bên trong đã đẹp như thế. Lấy một gã chồng giàu có, lương cao, nào có sung sướng như mọi người vẫn tưởng. Quả đúng là không quan trọng một người đàn ông có bao nhiêu tiền, quan trọng người đó sẵn sàng dành bao nhiêu để lo cho vợ con!
Theo TTVN