Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 6 người thì có 1 người tiềm ẩn nguy cơ bị đột quỵ. Trong đó, đột quỵ do nhồi máu não chiếm từ 80-85% các trường hợp, là tình trạng bệnh lý thường gặp ở người trên 40 tuổi, phổ biến nhất là những người có tiền sử bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, hay tăng Cholesterol máu, hút thuốc lá…
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, trong đó có đến 50% trường hợp đột quỵ diễn biến xấu và tử vong. Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, nghĩa là tuổi càng cao càng dễ có nguy cơ bị đột quỵ.
Đột quỵ cũng là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư trên toàn thế giới, đứng hàng đầu về tàn tật ở người trưởng thành, là thảm họa cho bệnh nhân và gia đình người bệnh, là gánh nặng kinh tế cho toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều người chưa thật sự hiểu biết về căn bệnh đột quỵ, có bệnh lý nền nhưng không kiểm tra sức khỏe thường xuyên và khi bị đột quỵ thì sơ cứu ban đầu không đúng khiến người bệnh bị những biến chứng nặng.
Sai lầm phổ biến khi xử trí đột quỵ gây nguy hại đến tính mạng. Ảnh minh họa
Hiện có rất nhiều quan điểm chưa đúng về đột quỵ, từ đó dẫn đến người bệnh mất cơ hội vàng điều trị và hệ lụy để lại vô cùng nặng nề, thậm chí tử vong.
Châm kim vào đầu tay
Đây là "mẹo" được nhiều người dùng khi ai đó bị đột quỵ. Tuy nhiên châm vào đầu ngón tay cho chảy máu không thể cứu được người bệnh, ngược lại còn khiến bệnh tình nặng hơn, vì cơn đau khi châm sẽ làm tăng huyết áp của bệnh nhân.
Cạo gió khi bị đột quỵ
Người bị đột quỵ thường có những biểu hiện như tê bì chân tay, liệt chân tay hoặc nửa người, mặt lệch, nói khó, chóng mặt, đau đầu... Những biểu hiện này khiến nhiều người cho rằng người bệnh bị cảm và tiến hành đánh gió, cạo gió bằng nhiều cách. Tuy nhiên, cạo gió không có tác dụng khi bị đột quỵ, chỉ làm mất thời gian vàng điều trị.
Chờ bệnh nhân ổn định mới đưa đi viện
Trường hợp đột quỵ não nặng, hôn mê ngay, người nhà cần phải đưa đi viện sớm. Tuy nhiên, đa số mọi người có tâm lý sợ đưa đi khiến tử vong nhanh hơn và chờ bệnh nhân ổn định mới đưa tới viện. Đây là sai lầm nghiêm trọng, khiến bệnh nhân mất cơ hội điều trị kịp thời.
Chủ quan đợi tự hồi phục
Đây là sai lầm thường gặp ở những người bị đột quỵ nhẹ như có cơn chóng mặt, đau đầu hoặc tê bì chân tay, mệt mỏi nhưng chủ quan, "vào giường nằm ngủ chờ khỏe lại". Đa số trường hợp này đều rất nặng, đến viện mất cơ hội điều trị trong giờ vàng.
Cho ngậm thuốc hạ huyết áp nhanh quá mức
Nhiều trường hợp bệnh nhân tự đo huyết áp, thấy huyết áp người bệnh cao đột ngột nên tự cho bệnh nhân uống thuốc hạ việc làm này khiến huyết áp của bệnh nhân tụt xuống, càng làm cho dòng máu lên não yếu đi, khiến ổ nhồi máu nhũn não càng rộng hơn, tình trạng bệnh nhân càng diễn tiến xấu, di chứng nặng nề hơn.
Giang Thu