Ngày 20/10, Công an tỉnh Bình Dương cho biết đang phối hợp với Công an huyện Phú Giáo khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ sát hại cụ ông 84 tuổi tàn nhẫn rồi móc mắt.
Nạn nhân là ông Lê Văn Đường, 84 tuổi, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo.
|
Nghi phạm giết cụ ông 84 tuổi bị khống chế. Ảnh: Tiền Phong. |
Thông tin ban đầu, khoảng 9h cùng ngày, một thanh niên lẻn vào căn nhà cấp 4 của ông Đường ở ấp Bàu Cỏ, xã Phước Hòa dùng hung khí sát hại ông. Theo một nhân chứng, nghi phạm không chỉ ra tay sát hại mà còn móc mắt, cắt rời bộ phận sinh dục trên cơ thể ông cụ.
Cùng lúc này, người dân gần đó nghe tiếng động lạ nên đến kiểm tra thì phát hiện ông Đường nằm chết trên giường ngủ với nhiều vết máu xung quanh. Lúc này, nghi phạm định bỏ trốn nhưng bị người dân vây bắt giao công an. Vụ việc thu hút hàng trăm người hiếu kỳ kéo đến theo dõi.
Thời điểm bị bắt giữ, nam thanh niên có biểu hiện ngáo đá, không tỉnh táo. Sau đó, hắn đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu với biểu hiện sùi bọt mép liên tục.
Thời gian qua, không ít những vụ án mạng liên quan đến các đối tượng ngáo đá đã xảy ra, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân.
Hồi tháng 5, thanh niên Trương Tín (29 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) bị ngáo đá sát hại mẹ đẻ, bà ngoại và dì ruột.
Bước đầu cơ quan điều tra xác định nguyên nhân xảy ra vụ thảm sát là do Trương Tín bị “ngáo đá” khi sử dụng trái phép chất ma túy. Qua kiểm tra hồ sơ, Trương Tín là đối tượng nghiện ma túy từ tháng 11/2017.
Một số người dân địa phương cho biết, vào khuya 2/5 gần 0h ngày 3/5, sau khi nghe tiếng kêu cứu tại nhà trong hẻm đường Chiến Lược (phường Bình Trị Đông), lực lượng chức năng địa phương đã đến kiểm tra thì phát hiện trong căn nhà ba người phụ nữ đã chết.
|
Nghi phạm Trương Tín. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Thời điểm xảy ra án mạng trong căn nhà trên có 6 người. “Ba của Tín chạy đi báo công an, còn hai người trong nhà trốn được nên thoát nạn” - một người dân nói.
Giới chuyên môn cho biết, sau khi sử dụng ma túy đá, sự hưng phấn, sung mãn, sự tự tin của người dùng chất độc này, khiến họ làm những việc mà khi tỉnh họ không bao giờ dám làm như: nhảy từ trên cao xuống đất, quan hệ tình dục tập thể, chạy xe với tốc độ rất cao, hoặc rạch dao vào chính da thịt của mình…, nguy hiểm hơn là người dùng ma túy “đá” có thể bị điên loạn mà “dân chơi” thường gọi là “ngáo đá”.
Ông La Đức Cương, Giám đốc BV tâm thần Trung ương I cho biết: "Biểu hiện của người nghiện ma túy đá là độ kích thích rất mạnh sinh ra những hoang tưởng ảo giác, sinh ra bệnh tâm thần, loạn thần của ma túy đá rất bộc phát hay người ta còn gọi là ngáo đá và có hành vi rất manh động thì đó là những biểu hiện của đá gây ra. Nếu muốn biết đối tượng ngáo đá thì chúng ta phải lọc được đối tượng, nhưng để lọc đối tượng này thì chúng ta cũng chưa có một tiêu chuẩn nào để lọc những đối tượng này. Tuy nhiên, chúng ta cần để ý xem đối tượng có biểu hiện như thế nào trong thời gian gần đây, có thái độ gì khác thường không do vậy chúng ta cần chú ý để cảnh giác trước khi đối tượng hành động bùng phát".
Ma túy “đá” (meth) gây cho người sử dụng các tác dụng xấu và có hại. Người dùng meth nhiều, ảo giác sẽ luôn thường trực, luôn ở trạng thái buồn ngủ, thần kinh rối loạn, tính cách trở nên hung hãn.
Ma túy đá mới xuất hiện ở Việt Nam mấy năm trở lại đây nhưng nhanh chóng được giới trẻ sử dụng ngày 1 nhiều. Khi sử dụng ma túy đá, hệ thần kinh của con người sẽ bị tác động mạnh, xuất hiện ảo giác, hoang tưởng...từ 1 người lương thiện có thể trở thành ác nhân, tàn độc.
Việc sử dụng ma túy là trái pháp luật, đáng nói hơn những vụ án giết người dã man mà hung thủ chính là những thanh niên đang lên cơn “ngáo đá” đã không còn xa lạ, đang trở thành vấn nạn cấp bách, lo ngại cho toàn xã hội. Và cần có khung hình phạt nghiêm khắc đối với những đối tượng này.
Thực tế đã cho thấy có rất nhiều hành động quái đản, bất thường của những người sử dụng loại ma túy này khiến người dân hoảng hồn. Họ chủ yếu là thanh niên.
Có thể thấy ma túy đá nói riêng và ma túy nói chung là vấn đề vô cùng nhức nhối, tiềm ẩn những mối nguy hiểm rất lớn cho xã hội, đòi hỏi sự nỗ lực cao độ không chỉ của các cơ quan chức năng mà còn của từng gia đình, cá nhân và toàn xã hội.
Thảo Nguyên