Hoàn thành thao tác thanh toán đặt chỗ cho tour du lịch đi Nhật Bản trong 4 ngày 3 đêm trên website của một công ty dịch vụ lữ hành, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Đây là lần đầu tiên, tôi dám chi một khoản tiền lớn để đi chơi mà lại đúng dịp tết. Sau nhiều đắn đo, tôi mới quyết định đưa con đi “trốn tết” bằng cách này. Vì đặt tour sát tết, tôi cứ sợ bị trục trặc, không ngờ mọi việc lại suôn sẻ.
Vợ chồng tôi chính thức ly hôn cách đây hai năm sau một thời gian dài ly thân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chuyện đổ vỡ nên dù muốn níu kéo để giữ gia đình cho con nhưng tôi không thể làm được. Chồng tôi quê ở miền Bắc, tôi là người miền Trung, cả hai vào Bình Dương lập nghiệp rồi gặp nhau cùng xây dựng gia đình.
|
Tết về, tôi sợ những ký ức xưa khi gia đình chia ly tán ùa về, sợ những câu hỏi nhói lòng của con gái: “Sao tết mà ba và chị không về thăm mình hả mẹ”… Ảnh minh hoạ |
Lấy nhau gần 10 năm, tôi sinh được hai cô con gái, do biến chứng khi sinh phải cắt bỏ toàn bộ buồng trứng. Trong khi chồng tôi là con trai độc nhất của dòng họ, ba mẹ chồng liên tục gây sức ép buộc phải có con trai. Một lần về quê, anh gặp lại người yêu cũ rồi kết nối tình xưa.
Khi tôi phát hiện ra mối quan hệ này thì họ đã có chung một đứa con trai lên hai tuổi. Chồng tôi không ngần ngại đề nghị chia tay mà không một lời ăn năn giải thích. Sau khi giải quyết xong thủ tục, chồng tôi vội vàng chuyển công tác, đưa con gái lớn về quê và làm đám cưới để hợp thức hoá mối quan hệ với người tình.
Cái tết đầu tiên sau ly hôn, tôi cảm thấy chông chênh vô cùng. Trước đây, tết nào chúng tôi cũng về quê nội từ 29 tháng Chạp, đến mồng Hai tết về thăm nhà ngoại một ngày, rồi trở vào Nam.
Năm đơn thân đầu tiên đó, tôi dự định sẽ đưa con gái về quê ăn tết cùng cha mẹ gần một tuần bởi từ khi lấy chồng, tôi chưa có dịp về nhà trong thời gian dài.
Nhưng tôi không lường trước được thái độ của ba mẹ khi biết chuyện ly hôn của mình. Những năm trước, cả nhà tôi cùng về, ông bà rất vui vẻ nhưng lần này chỉ có hai mẹ con lại hoàn toàn khác. Ở quê tôi, chuyện con gái ly hôn vẫn bị kì thị, xem đó như nỗi nhục của gia đình.
Về nhà được ba ngày, chứng kiến bầu không khí ảm đạm cùng tiếng thở dài của cha mẹ, tôi rất căng thẳng. Hàng xóm, người thân đến chơi đều nhìn tôi ái ngại, hỏi han vẻ cảm thông: “Thế tết này, chỉ có hai mẹ con về thôi à”. Tôi bối rồi không biết phải nói sao.
Không muốn cả nhà mất tết vì mình, sáng mồng Hai, lấy cớ có việc gấp, tôi đưa con đi mà chẳng biết đi đâu. Còn vài ngày nữa mới hết kỳ nghỉ tết, về nhà cũng buồn nên tôi quyết định đưa con đi Đà Lạt chơi vì có cô bạn thân ở đó. Nhưng đi đến đâu thì không khí tết vẫn ngập tràn, nhìn gia đình người ta sum vầy đi du xuân trong khi hai mẹ con tôi lủi thủi, càng cô đơn hơn.
Tự dưng tôi sợ tết. Tôi sợ những ký ức xưa khi gia đình chia ly tán ùa về, sợ phải chứng kiến cảnh gia đình sum vầy của người xung quanh, sợ những câu hỏi nhói lòng của con gái: “Sao tết mà ba và chị không về thăm mình hả mẹ”…
Dù cố gồng mình mạnh mẽ để làm một mẹ đơn thân vui vẻ, không lây cảm xúc tiêu cực cho con, nhưng tôi không tránh được những phút giây yếu đuối. Ngày thường còn dễ vượt qua vì công việc bận rộn chứ đến tết nhìn gia đình người ta sum họp, không muốn khóc mà nước mắt cứ rơi.
Năm nay, tôi quyết định đưa con đi trốn tết bằng một chuyến du lịch xa ở một nơi không có tết. Hy vọng, tôi và con sẽ có những trải nghiệm thú vị trong khi ở quê nhà mọi người đang tưng bừng đón tết. Tôi tin chắc kỳ nghỉ tết sẽ trôi qua nhẹ nhàng hơn nhiều so với năm ngoái. Đến khi nào con đủ lớn, vết thương lòng tôi đủ chai sạn để điều khiển cảm xúc của bản thân, tôi và con trở lại cách đón tết theo truyền thống cũng chưa muộn.
Theo Hải Ngân/Phunuonline