Ngày đó, tôi ba mươi, là một cô thợ may có tiệm khá đông khách, lại thêm dăm học trò. Nhưng ở quê, tuổi đó đã xem như “gái ế”. Quy hoạch về đến thôn xóm, đường sá nâng cấp để phục vụ cho chương trình nông thôn mới. Anh là kỹ sư cầu đường, cùng nhóm thợ ở trọ nhà ba mẹ tôi.
Sáu tháng, bao tình cảm nảy sinh. Người kỹ sư da rám nắng, dáng chắc nịch ấy đã lợp lại cho mẹ tôi cái chái bếp hư dột, trèo lên giúp ba tôi sửa lại bộ liễn thờ lâu năm mối mọt. Vuông sân lâu nay mùa mưa là ngập trước tiệm may của tôi cũng được anh và nhóm thợ san lấp bằng phẳng.
|
Ảnh minh họa. |
Tôi ngu ngơ tưởng mình duyên muộn thì duyên sẽ càng thắm nồng hơn, nên yêu màu da rám nắng, thương từng cái nhíu mày mỗi khi quát thợ của anh. Tôi tự ru ngủ mình, những lời cộc cằn thô lỗ ai thường tuôn ra là cái “thật” của con người, không phải xun xoe nịnh bợ hay che giấu cảm xúc.
Con đường làm xong cũng là ngày cưới của chúng tôi. Ba ngày sau hôn lễ, anh bảo tôi sang tên giấy tờ nhà đất cho anh vì: “Của chồng công vợ. Hy sinh chút đi cưng. Có chồng rồi không còn làm ăn quanh quẩn như cũ được. Sang tên xong, anh thế chấp vay ngân hàng, lấy vốn làm ăn lớn”. Rồi anh lập một công ty chuyên về tư vấn-thiết kế-xây dựng, nhưng chưa bao giờ đưa cho tôi được một đồng, viện lẽ thu nhập từ tiệm may của em cũng đủ dùng, anh cần vốn để làm ăn lớn.
Anh làm ăn lớn kéo theo những chuyến vắng nhà bất tận. Tôi nói ra nói vào kiểu ghen hờn của đàn bà thì anh bảo, cái nghề anh là vậy. Anh tiếp tục với những đợt vắng nhà mà anh gọi là “thi công công trình cao cấp”. Con đau bệnh mình tôi lo, con vui khỏe mình tôi biết, con chập chững đi cũng mình tôi vui. Và, những đêm sâu thẳm của đàn bà chỉ mình tôi hay. Anh vẫn đi.
Mãi đến khi con gái ba tuổi thì… ngân hàng mang giấy tờ đến phát mãi tài sản. Tôi chới với. Anh buông gọn mấy chữ, do làm ăn thua lỗ. Tài sản mất hết tôi không buồn nhiều, vì biết có buồn cũng không thể lấy lại được. Chỉ có hạnh phúc là không dễ tìm, nên một lần tôi lại dễ dãi bỏ qua cho chồng. Để rồi…
Tiệm may của tôi cất nhờ trên đất của một cô học trò. Giờ không đi làm nữa, anh ở nhà hoạnh họe cơm bưng nước rót và liên tục đòi tôi sinh một đứa con trai. Tôi nói, nợ nần nhiều, nhà cửa không còn, em đã ba mươi tư, sinh ra biết có được là con trai không? Anh bảo, nhà anh quý con trai, đẻ được cháu trai mới thật sự là dâu nhà anh. Vậy nếu không sinh được trai là không phải con cháu nhà anh à? Anh im. Sau đó là… lặn không sủi tăm.
Rồi một người đàn ông đến với tôi. Anh là anh ruột của người học trò đã cho tôi cất nhờ tiệm may. Anh bảo, nếu tôi tin vào duyên số thì mình sẽ chung bước trọn đời bên nhau. Người vợ trước của anh đã dắt con đi biệt vì sống với anh sáu năm mà anh chưa lo được một mái nhà riêng; vì nghề tài xế của anh là vui đâu chầu đó.
Tôi bảo, chỉ tại chuyện làm ăn khiến mình xa nhau chứ vẫn là hàng xóm. Vết thương trong lòng em chắc anh cũng biết. Em chỉ mong yên bình bên chồng con. Anh cười, nụ cười đầy nắng gió của người đàn ông bốn lăm: “Chỉ cần em tin anh”.
Anh mua lại miếng đất của cô em gái, cất cái tiệm may đàng hoàng cho tôi. Anh yêu thương con gái tôi như con mình. Chuyện trăm năm được xác định bằng một lễ tuyên hôn nho nhỏ. Anh làm tài xế hợp đồng, hết “tua” thì về chăm đàn gà và vườn rau. Anh bảo, cuộc đời ngắn lắm, em đừng suy nghĩ quá nhiều, hãy biết sống cho mình một chút.
Tôi không yêu anh nồng cháy và khù khờ như lần đầu, nhưng biết ơn anh vì sự bao dung và hiểu biết anh dành cho người đàn bà bốn mươi là tôi. Chỉ một nỗi niềm khiến tôi suy nghĩ là chưa có con chung với anh. Rồi tôi quyết định mang thai để tặng anh một niềm hạnh phúc. Giờ thì ơn trời, tiệm may đã có nhiều học trò.
Tôi không ngồi máy nữa, chỉ hướng dẫn các em. Chuyện đưa đón con lớn và cả bếp núc anh đều lo hết. Tôi đã có thể mặc đầm bầu đi cà phê mỗi sáng, đi xiên que mỗi chiều, nghe nhạc Trịnh mỗi cuối tuần với tài xế là anh.
Chồng tôi không phải ông giám đốc công ty, không có công nhân, giàn giáo kìn kìn, cũng không biết “làm ăn lớn”; chỉ mỗi tháng vui vẻ dúi vào tay tôi mớ tiền mặn mồ hôi kèm câu nói: “Em xài giùm, anh không biết cất ở đâu” rồi quay ra lăn vào bếp núc, vườn rau.
Còn tôi, cứ dạy học trò, cứ tha hồ nói về các kiểu áo mới, cứ cà phê mỗi khi bạn bè gọi, cứ “hú” luôn chồng ăn cơm bụi… Cứ vậy mà hạnh phúc ngập tràn.
Tôi thầm cảm ơn số phận đã cho tôi gặp anh, khi đã tưởng như mình đã không còn được phép chọn lựa. Vì thế, dù người ta nói đàn bà bốn mươi mà “dám” bầu bì là đặt cược mạng sống của mình, nhưng tôi tin với sự chân thành của anh, thần may mắn sẽ mỉm cười với mẹ con tôi.
Theo Kim Cúc/Báo Phụ nữ