“Đàn ông khó mà lớn nếu sống trong vòng tay của bố mẹ”. Câu nói này chắc sẽ chạm đến lòng tự ái của khá nhiều đàn ông Việt. Nhưng đó là sự thật ở rất nhiều gia đình sống nhiều thế hệ hiện nay của người Việt.
Cô bạn tôi lấy chồng người Hà Nội. Gia đình chồng có hai anh em. Cô em gái lấy chồng ở gần nhà bố mẹ đẻ. Còn chồng bạn tôi con một nên đừng mơ tưởng đến việc ra ở riêng. Bố mẹ chồng bạn tôi đã về hưu. Thời gian của ông bà là vô biên nên ngoài việc tập thể dục, đi chợ, gặp gỡ bạn bè thì ông bà tập trung chăm cháu.
Vợ chồng cô bạn có ông bà chăm cháu quả là yên tâm đi làm. Viên chức nhà nước, lương ăn theo bậc phẩy, cho nên thu nhập của cả hai vợ chồng cộng lại coi như đủ sống. Mỗi tháng hai vợ chồng gửi bố mẹ được 4 triệu còn lại thiếu thừa đâu là ông bà có lương hưu bù vào.
Ngày ngày trôi đi, cuộc sống cứ tiếp diễn như vậy. Lấy nhau 6, 7 năm trời nhưng cả hai vợ chồng bạn tôi không có một đồng tiền tích lũy nào cả. Cô bạn tôi nhiều lúc chán nản tâm sự: “Lấy nhau, năm đầu chưa con cái, cuộc sống còn dễ thở. Tuy nhiên, năm nối năm, cuộc sống không thấy khá hơn tý nào. Nhà cửa ở với bố mẹ mọi thứ có sẵn, không bao giờ chồng cô nghĩ đến việc sắm sửa. Bởi có nghĩ thì đào đâu ra tiền mà sắm. Nhiều lúc bảo chồng rằng hãy tìm thêm cơ hội kiếm tiền nhưng anh thản nhiên nói rằng ‘Cứ ước mơ viển vông, như thế này là thấy hài lòng rồi, cần gì phải bươn bả cho vất vả. Nhà cửa đó còn phải lo gì nữa”.
|
“Cứ như thế không biết đến bao giờ chồng mình mới lớn được, mới trưởng thành và mới là bờ vai để vợ con tin tưởng bấu víu”. |
Nói xong cô bạn tôi chép miệng thở dài “ông ấy đâu biết được, để mọi thứ trong gia đình trôi chảy như này vợ ông ấy phải tranh thủ làm đủ mọi việc để kiếm tiền. Cứ nhắc đến tiền là ông ấy lại mắng té tát nói mình tham vọng. Có gì bố mẹ lo hết, sao phải xoắn”.
“Đúng thế, sáng dậy, mẹ chồng hoặc vợ lo ăn sáng cho cả nhà. Chồng mình ra khỏi nhà với cái bụng đã ấm và quần là, áo lượt. Chiều tối muộn trở về cơm canh đã sẵn trên bàn, con cái sạch sẽ thơm tho. Gần như mọi công việc trong gia đình dường như anh ấy chả phải lo. Nếu có động vào cái gì thì lại được ông bà vuốt theo ‘để đấy bố/mẹ làm cho’. Cứ như thế dần dần anh ấy chả đoái hoài gì đến việc nhà. Chả bao giờ anh ấy hỏi vợ xem nhà có bao nhiêu tiền tích lũy. Cũng chả thấy anh ấy nói đến ước mơ, dự định trong tương lai. Anh ấy bằng lòng với tất cả mọi thứ đang hiện có”.
Nhìn ra xung quanh, những cặp vợ chồng bạn tôi ở tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp. Khó khăn chồng chất, không có bố mẹ đỡ đần. Chính vì thế khó bó cái khôn, vợ chồng cùng sắp xếp công việc khoa học, rồi cả hai đỡ đần nhau trong việc nhà, đón con…Rồi cũng vì khó khăn nên ai cũng mơ ước phấn đấu mua được cái nhà cũng yên tâm hơn. Cứ như thế nhiều gia đình bạn tôi thay đổi trông thấy. Từ lúc chỉ là hai bàn tay trắng giờ thì nhà cửa, con cái đề huề, còn có thêm vài miếng đất làm vốn.
Hoàn cảnh khiến con người vươn lên, thay đổi cuộc sống. Nhưng nhiều người đàn ông lại không muốn thay đổi hoàn cảnh. Bản thân họ thấy cuộc sống hiện tại quá an toàn và không muốn phá vỡ để xông lên. Dù ngoài kia có bão giông thì trong nhà luôn có bố mẹ và vợ lo rồi, đâu cần phải sôi sùng sục kiếm tiền làm chi.
Chính những suy nghĩ đó đã giết chết sự tiến thủ của người đàn ông, trụ cột trong gia đình bạn tôi. Mặc kệ vợ bươn bải với cuộc sống còn ta “sáng cắp ô đi, chiều thong dong phóng xe về. Tối ung dung cầm điện thoại lướt facebook đến giờ đi ngủ và mai lại một ngày mới như vậy”.
“Cứ như thế không biết đến bao giờ chồng mình mới lớn được, mới trưởng thành và mới là bờ vai để vợ con tin tưởng bấu víu”, cô bạn tôi thở dài than thở./.
Theo Hạ Anh/VOV.VN