Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam sẽ phải tiếp tục chống dịch COVID-19 trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh; tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong trạng thái "bình thường mới".
Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái "bình thường mới", điều đầu tiên chúng ta cần có chính là tiêm đủ vắc xin. Người tiêm đủ liều vắc xin cơ bản đã tạo đường rào chắn bảo vệ cho cá nhân không bị mắc bệnh nặng, giảm thấp nhất nguy cơ nhập viện, nguy cơ tử vong.
Đồng thời, cần thực hiện đúng Thông điệp 5K của Bộ Y tế đưa ra, bao gồm: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế. Trong đó bao gồm:
Khẩu trang: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Nhớ là khi rửa tay phải trong tối thiểu 20 giây đặc biệt là sau khi đến khu vực công cộng hoặc sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi.
Nếu không có xà phòng và nước, sử dụng dung dịch sát trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn. Xoa dung dịch đều ra toàn bộ bàn tay và chà hai tay vào nhau cho đến khi khô. Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa sạch.
Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
|
Ảnh minh họa. |
Khoảng cách: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác. Duy trì khoảng cách tối thiểu 2m. Hãy nhớ rằng một số người không có triệu chứng có thể có khả năng lây truyền virus.
Không tụ tập đông người: Mọi người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao khi ở nơi đông người, đặc biệt ở nơi thông gió kém. Tuyệt đối không được tụ tập để đảm bảo sức khỏe của bản thân và người khác.
Khai báo y tế: Thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Đồng thời, người dân cần theo dõi sức khỏe hàng ngày, khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.
Đối với việc mua bán hàng hóa, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo về việc phòng ngừa lây nhiễm như sau:
Cụ thể, người dân lưu ý khi mở các gói hàng hóa là thực phẩm tại nhà thì không phun chất khử trùng dùng trong khử khuẩn bề mặt, quần áo… lên thực phẩm, dù là phun bên ngoài.
- Loại bỏ mọi bao bì không cần thiết và bỏ vào thùng rác có nắp đậy.
- Lấy thực phẩm ra khỏi hộp đựng và vứt bỏ hộp đựng.
- Bao bì như lon nhôm hay thiếc có thể được lau sạch bằng chất khử trùng chuyên dụng trước khi dùng hoặc cất giữ.
- Rửa thật kỹ các sản phẩm không đóng gói, chẳng hạn như trái cây và rau quả dưới vòi nước hoặc bằng dung dịch chuyên dùng cho thực phẩm.
- Rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây trước và ngay sau khi xử lý thực phẩm.
Bộ Y tế cũng lưu ý nên đặt mua trực tuyến với dịch vụ nhận hàng ở cửa, cổng. Khi lấy hàng cần hạn chế tiếp xúc, nếu phải tiếp xúc thì đề nghị để hàng bên ngoài nhà, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m với người giao hàng và rửa tay ngay sau khi nhận hàng, mở gói hàng.
Bên cạnh đó, dù chưa có bằng chứng đáng kể và đầy đủ nào cho thấy thú cưng và các động vật nuôi có thể lây nhiễm SARS-CoV-2 sang người và ngược lại. Tuy nhiên, vẫn cần đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học và vệ sinh để ngăn chặn sự lây nhiễm SARS-CoV-2.
Cụ thể, virus dễ dàng bám, dính và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định trên các bề mặt nói chung, và bề mặt da, lông, cơ thể của thú cưng nói riêng. Khi đó, chó mèo trở thành "vật mang" di động với rủi ro và nguy cơ có thể lây dính virus cho người khác thông qua sự tiếp xúc gần như vuốt ve, sờ, nắm phải virus.
Do vậy, trong thời kỳ dịch đang có diễn biến phức tạp, chủ vật nuôi, thú cưng và các bác sỹ thú y cần lưu ý phòng bệnh. Hạn chế tiếp xúc, vuốt ve thú cưng. Nếu phải tiếp xúc với chó mèo thường xuyên, cần lưu ý đeo khẩu trang, không hôn, không ôm, vuốt ve chó mèo; rửa tay trước và sau khi tiếp xúc.
Kiều Dụ (TH)