Sự thật về liệu pháp hút chì, thải độc trên da mặt

Google News

Theo bác sĩ Phương Thảo, hút chì, thải độc trên da không có cơ sở khoa học và Bộ Y tế chưa cấp phép cho một loại mỹ phẩm nào có tính năng này.

Khoảng 2 năm gần đây, từ khóa "hút chì, thải độc trên da" được rất nhiều người tìm kiếm. Đặc biệt là những chị em thường xuyên sử dụng son môi, mỹ phẩm. Đánh vào tâm lý này, không ít spa, thẩm mỹ viện hay các cơ sở nhỏ lẻ tích cực khai thác dịch vụ này. Chúng được quảng cáo với đủ loại mức giá, từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Theo các nhân viên spa, hút chì giúp da cải thiện tình trạng thâm nám, xỉn màu, tươi tắn trở lại. Khách hàng sẽ được bôi lên da một lớp kem thải độc, sau đó sử dụng máy công nghệ cao hút chì ra khỏi cơ thể. Họ cũng giới thiệu thêm chỉ sau 5-10 phút chạy máy hút chì, lớp kem trên da sẽ chuyển sang màu xám, đen, tương ứng với lượng chì vừa được lấy ra.
Bác sĩ Nguyễn Phương Ngọc, khoa Da liễu, Bệnh viện quận 5 (TP.HCM), cho biết hút chì trên da không có cơ sở khoa học và Bộ Y tế chưa cấp phép cho một loại mỹ phẩm nào có tính năng thải, khử độc chì.
Việc quảng cáo hút chì trên da là không có thật và phản khoa học. Ảnh: Officebeauty 
Nhiễm độc chì có ảnh hưởng đến thần kinh, nội tạng, các bác sĩ sẽ điều trị bằng phương pháp rửa dạ dày, toàn bộ ruột, theo dõi nồng độ chì trong máu, truyền máu và sử dụng thuốc điều trị phức tạp khác. Nếu lượng chì tích tụ ít, trong giới hạn cơ thể, chúng vẫn có khả năng tự đào thải qua thận và bài tiết.
"Khi nhiễm chì qua đường da, niêm mạc, chất này sẽ ngấm nhanh vào máu và lan truyền đến các bộ phận khác như xương, khớp. Việc sử dụng phương pháp bôi một chất không rõ nguồn gốc lên mặt, kết hợp nhiệt độ, áp suất, hơi nước sẽ tạo ra phản ứng oxy hóa khử, tạo thành màu đen trên bề mặt da. Bên cạnh đó, da còn có chất nhờn, mồ hôi nên phản ứng hóa học tạo màu là bình thường. Khách hàng sẽ lầm tưởng đây chính là chì được thải độc ra khỏi cơ thể nhờ công nghệ làm đẹp này", bác sĩ Ngọc giải thích.
Chì thuộc kim loại nặng có màu trắng xanh, khi tiếp xúc không khí chuyển màu xám bạc, khi ở dạng PbO (chì oxit) có màu đỏ và vàng cam. Kim loại này không có lợi về sinh lý với cơ thể. Nồng độ có thể chấp nhận chì trong máu toàn phần bình thường <10 μg/dL (Mỹ), nồng độ lý tưởng là 0 μg/dL. Nồng độ chì cho phép ở các nước đang phát triển là 20 μg/dL.
Con người có thể nhiễm độc chì qua các nguồn sản xuất và tái chế chì, sơn, xăng loại có chì, sửa chữa bộ tản nhiệt động cơ, sản xuất thủy tinh, thu gom phế liệu, nung, nấu chì, tinh chế chì, đúc, cắt chì, sơn, công nhân xây dựng (làm việc với sơn chì), sản xuất nhựa polyvinyl chloride, phá, dỡ bỏ tàu, sản xuất, sửa chữa và tái sử dụng ắc quy.
Ngoài ra, việc sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, sống trong môi trường có nguồn nước nhiễm chì, đồ hộp có chất hàn gắn hộp sử dụng chì, đồ nấu ăn bằng chì, các nguồn thực phẩm bị ô nhiễm từ môi trường do không được kiểm soát tốt cũng làm bạn nhiễm độc mà không hề hay biết.
Theo Phương Anh/Zing News