Theo số liệu thống kê của các chuyên gia y khoa trên toàn thế giới, có đến một phần ba dân số đang gặp những vấn đề về bệnh tim mạch. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết, chỉ bằng một vài biện pháp đơn giản cũng như thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày là bạn có thể nhận được những tác động tích cực tới sức khỏe.
Ngồi một chỗ quá lâu
Việc ngồi một chỗ nhiều giờ liên tục để làm việc xem tivi có thể làm gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Khi bạn ngồi một chỗ, lượng mỡ và đường trong máu sẽ bị tăng cao.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ngồi 1 chỗ quá lâu có thể làm tăng 14% nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đồng thời tăng nguy cơ tử vong sớm lên 40%. Do đó, nếu đặc thù công việc khiến bạn buộc phải ngồi nhiều, hãy cố gắng đứng lên đi lại sau mỗi 1 – 2 giờ. Một vài động tác vận động giữa giờ làm việc cũng có tác dụng giúp lưu thông máu rất tốt.
Lười vận động
Các bác sĩ tim mạch đã khẳng định, lối sống tĩnh tại là một trong các nguyên nhân hàng đầu của béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch (nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não), ngược lại, hoạt động thể lực giúp đem lại lợi ích cả về sức khỏe thể chất và tinh thần, giúp dự phòng đái tháo đường, ung thư và loãng xương, làm giảm huyết áp và ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Chỉ cần tập thể dục 15 phút mỗi ngày đã giúp giảm 14% tỷ lệ tử vong và nếu tập thêm 15 phút nữa mỗi ngày sẽ giúp tỷ lệ tử vong giảm thêm 4%.
Ảnh minh họa
Để giữ gìn sức khỏe và bảo vệ trái tim của bạn, các bác sỹ tim mạch khuyên bạn nên tập thể dục mức độ từ vừa (như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội …) ít nhất 5 ngày /tuần, mỗi ngày ít nhất 30 phút.
Không khám và điều trị stress và trầm cảm
Những ai luôn cảm thấy căng thẳng, uất ức, hận thù, thù địch, trầm cảm thì cần phải đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân và điều trị. Để lâu ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhất là sức khỏe tim, trong đó stress (căng thẳng) được xem là môi chất gây bệnh cao nhất.
Sử dụng rượu, bia, thuốc lá thường xuyên
Uống nhiều rượu, bia có thể gây tăng huyết áp và dẫn đến những nguy cơ như xơ vữa thành mạch, rối loạn mỡ máu, thừa cân béo phì,...từ đó tác động đến sức khỏe tim mạch.
Hút thuốc lá trực tiếp và hút thuốc lá thụ động đều có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong thuốc lá có chất nicotine, đây là chất có thể gây hại cho phổi và tim mạch của người hút.
Ảnh minh họa
Trong khói thuốc lá có chứa đến 7.000 hóa chất độc hại, khói thuốc lá có thể đi vào buồng phổi, mạch máu, tạo nên những tổn thương ở thành mạch, mỡ dễ bám vào và gây xơ vữa thành mạch hoặc tạo huyết khối, gây tắc mạch,...từ đó nguy cơ thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim sẽ rất cao.
Ăn ít cá
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, không ăn cá hoặc ăn quá ít thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên rõ rệt. Ăn cá ít nhất một lần một tuần sẽ giúp giảm 16% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tác dụng bảo vệ của cá đối với bệnh tim mạch là do trong cá có hàm lượng cao các axit béo n-3 (omega 3). Các bác sĩ tim mạch khuyên bạn nên ăn cá từ 1-2 lần trong một tuần và trong đó có 1 bữa là loại cá có nhiều mỡ.
Nghiện thịt đỏ
Ảnh minh họa
Thịt đỏ là nhóm thực phẩm khoái khẩu được nhiều người ưa thích nhưng nó lại giàu mỡ bão hòa, thủ phạm gia tăng bệnh tim và ung thư ruột kết. Lý tưởng nhất là duy trì thịt đỏ dưới 10% trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Không hòa nhập cộng đồng
Nếu bạn đang thu mình lại và không muốn mở rộng thế giới riêng của mình thì hãy cẩn thận bởi chúng có thể là tiền đề gây nên những bệnh về tim. Giống như một loại cảm xúc tiêu cực, thói quen này có thể gây áp lực ức chế nào bộ ảnh hưởng đến thần kinh và từ đó tác động tới cơ thể qua nhiều cách khác nhau.
Ăn mặn thường xuyên
Ảnh minh họa
Việc ăn quá nhiều muối sẽ gây áp lực lớn lên vùng tim mạch và các cơ quan khác, từ đó khiến quá trình thải bỏ độc tố bị ảnh hưởng. Lúc này, bạn sẽ gặp phải tình trạng huyết áp tăng cao, có nguy cơ bị đột quỵ, suy tim hoặc suy thận.
Không kiểm soát chế độ dinh dưỡng
Thừa cân là một trong những nhân tố dẫn đến đau tim phố biển nhất hiện nay. Theo thống kê của các chuyên gia y khoa, có đến 72% nam giới và 64% nữ giới đang bị béo phì trên toàn thế giới. Margaret Hudson, Chuyên viên thể hình tại phòng tập Mount Sinai (Mỹ) gợi ý, sử dụng những loại thực phẩm lành mạnh ít mỡ và đường là một trong những biện pháp hữu hiệu goúp bạn kiểm soát cân nặng của mình. Bạn cũng cần chú ý giảm thiểu những loại đồ ăn nhanh và nước ngọt khỏi khẩu phần ăn.
Không khám sức khỏe định kỳ
Rất ít người duy trì thói quen đi kiểm tra sức khỏe hàng năm, nhưng đây là việc làm rất quan trọng trong việc giữ cho trái tim khỏe mạnh. 80% bệnh tim có thể phòng ngừa được. Muốn vậy, bạn cần đi khám mỗi 6 tháng/lần để được kiểm tra huyết áp, cholesterol, cân nặng và lượng đường trong máu, đồng thời sàng lọc các yếu tố nguy cơ của bệnh tim.
Nếu phát hiện vấn đề bất thường, bạn sẽ được điều trị kịp thời trước khi các bệnh lý nguy hiểm ập đến. Việc điều trị sớm và hiệu quả các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng cholesterol trong máu, tiểu đường và béo phì sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ của bạn.
Theo Hoàng Ly/ Giadinhonline