Suy đa tạng sau khi ăn thịt lợn ốm
Mới đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương (Hà Nội) đã cấp cứu một trường hợp nam bệnh nhân 62 tuổi, trú tại Lai Châu, bị nhiễm liên cầu lợn.
Báo Vietnamnet dẫn lời người nhà bệnh nhân ngày 11/8 cho biết, trước đó, gia đình có lợn ốm. Bệnh nhân đã mổ lấy thịt ăn. Một tuần sau, bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao, rét run, mệt mỏi, đi ngoài phân lỏng. Hai ngày sau, bệnh nhân tiếp tục đi ngoài phân đen kèm nổi nhiều ban xuất huyết, da tím đen hoại tử toàn thân.
Người nhà đưa bệnh nhân tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, theo dõi nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.
Sau một ngày, tình trạng sức khỏe không chuyển biến, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn, tình trạng sức khỏe vẫn nguy kịch.
Viêm màng não nguy kịch vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn
Trước đó, vào tháng 3/2023, một bệnh nhân 73 tuổi bị viêm màng não vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi tiếp xúc với lợn ốm chết.
Báo Chính Phủ đưa tin, bệnh nhân ở Duy Tiên, Hà Nam, đã giết mổ một con lợn bị ốm và nấu ăn. Sau một ngày, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, buồn nôn, sốt cao và mê hoảng, được gia đình đưa vào bệnh viện. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Do diễn biến nặng nên bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai.
|
Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn được điều trị tại trung tâm. Ảnh: VTV. |
Tại đây, bệnh nhân được cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng kháng sinh liều cao. Với triệu chứng lâm sàng, biểu hiện suy đa tạng cùng kết quả chọc dịch não tủy cho thấy, protein tăng - 2,58g/l, cầu khuẩn gram dương xếp đôi, cấy máu ra liên cầu lợn Streptococcus suis.
Đây là trường hợp điển hình của viêm màng não do liên cầu lợn sau khi có yếu tố dịch tễ là tiếp xúc với lợn ốm chết (trong quá trình giết mổ lợn ốm) và ăn thịt lợn chứa vi khuẩn.
Tử vong sau khi giết mổ lợn bệnh
Tháng 5/2023, một bệnh nhân nam 48 tuổi, địa chỉ ở xã Phú Châu, huyện Ba Vì (Hà Nội), tử vong sau khi tham gia giết mổ lợn bệnh. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, bệnh nhân này tham gia giết mổ lợn bệnh. Trong quá trình giết mổ, bệnh nhân không sử dụng biện pháp bảo hộ.
Hai ngày sau khi giết mổ lợn, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, đau mỏi người, buồn nôn, nôn rồi tiếp tục xuất hiện ban xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn và được chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị. Sau đó, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.
|
Ảnh minh họa. |
Sự nguy hiểm của vi khuẩn Streptococcus suis
Theo Bộ Y tế, bệnh liên cầu lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.
Bệnh có thể lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…) hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da (đặc biệt là những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm…).
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Nam Định cho biết thêm, khi mắc bệnh do liên cầu lợn, người bệnh thường có biểu hiện sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa.
Người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng, biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Một số trường hợp xuất hiện nhiễm độc đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa (đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu).
Người bệnh cũng có thể bị viêm màng não do vi khuẩn liên cầu lợn như sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng...Nếu phát hiện sớm có thể cứu chữa được, nếu không thì có thể gây phù não, hôn mê và tử vong.
Để đảm bảo an toàn, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn, phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người. Đồng thời, có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Phương pháp mới phát hiện vi khuẩn trong vài phút
P.V (Tổng hợp)