Không chỉ hạnh phúc được ôm con ngay khi trẻ vừa chào đời chưa cắt dây rốn, phương pháp chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh sớm (EENC) không chỉ giảm nguy cơ tử vong ở trẻ, giảm băng huyết cho mẹ, mà còn giúp trẻ tránh được nhiều bệnh nguy hiểm.
Chăm sóc trẻ theo kiểu da kề da
TS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho biết, phương pháp EENC là phương pháp can thiệp đơn giản, chi phí thấp nhưng có thể cứu sống nhiều trẻ sơ sinh.
Phương pháp này đã được nhiều nước áp dụng từ lâu, mới được đưa vào triển khai tại Việt Nam nhằm: Loại trừ các bước thực hành chăm sóc sơ sinh có hại và lỗi thời. Chú trọng vào tăng cường/cải thiện chất lượng chăm sóc trong sinh và sau sinh trong vòng 24 giờ đầu. Loại bỏ tử vong do những bệnh phòng ngừa được bằng cách cung cấp chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm đầy đủ (EENC)...
|
Hạnh phúc của người mẹ khi ôm con sau sinh. |
Hiện nay, Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng đã áp dụng phương pháp EENC cho hơn 95% trẻ được sinh ra, chỉ trừ các trường hợp mẹ bị gây mê, bị bệnh lý hoặc trẻ quá non tháng phải nằm lồng ấp...
Theo TS Trần Thị Hoàng, phương pháp da kề da hay còn gọi “cái ôm đầu tiên” thay đổi hẳn quy trình chăm sóc trẻ sau sinh. Nếu như trước đây, trẻ sinh ra là được cắt dây rốn ngay khi chưa được lau khô, sau đó được hút dịch, cân đo, tiêm chích văcxin và đưa ra người thân chăm sóc thì hiện nay, trẻ sinh ra được lau khô và đặt da kề da trên bụng mẹ, dây rốn để nguyên cho đến khi ngưng đập mới cắt, trẻ được mẹ ủ ấm khoảng 1 - 2 giờ, bú mẹ sau đó mới được cân đo...
Giảm tử vong mẹ, phòng nhiều bệnh lý cho con
TS Trần Thị Hoàng nhấn mạnh: “Cái ôm đầu tiên tiên” không chỉ giúp tăng tình cảm mẹ con mà còn giúp người mẹ cũng giảm lo lắng, giảm nỗi đau “vượt cạn một mình”, tăng tiết sữa, giúp co hồi tử cung sau đẻ... giảm tử vong mẹ do băng huyết sau sinh.
Đặc biệt, phương pháp này cực kỳ có ý nghĩa với trẻ. Trẻ từ môi trường ấm áp trong bụng mẹ ra ngoài, thường bị hạ thân nhiệt (10 phút sau sinh có thể giảm 40). Hạ thân nhiệt có thể dẫn đến nhiễm trùng, rối loạn đông máu, toan hóa máu, chậm chuyển tiếp tuần hoàn bào thai, bệnh màng trong, xuất huyết não... Bà mẹ là giường sưởi tự nhiên tốt nhất cho trẻ ngay khi chào đời để phòng hạ thân nhiệt và nhờ đó “cái ôm đầu tiên”giảm được nguy cơ tử vong do hạ thân nhiệt so với không được nằm ngay trong lòng mẹ.
Hơn nữa, da kề da khiến trẻ được bú sớm và khoẻ hơn và bú mẹ là biện pháp giúp giảm tỷ lệ tử vong hàng đầu ở trẻ, đặc biệt là viêm phổi và tiêu chảy xuống 10 lần. Trẻ được kích thích miễn dịch, tiếp xúc với vi trùng có lợi, phòng hạ đường máu, có lợi cho sự phát triển của não bộ.
Đặc biệt, trong 1 - 3 phút đầu tiên sau sinh lượng máu truyền từ bánh rau sang trẻ sơ sinh 80 - 100ml, lượng sắt tương ứng 40 - 50mg/kg, việc kẹp rốn muộn (chỉ cắt dây rốn khi ngừng đập) giúp giảm nguy cơ bị thiếu máu, truyền máu, cũng như giảm tỷ lệ xuất huyết não thất...
Rốn của trẻ sau cắt được để hở làm dây rốn chóng khô, chóng rụng, tránh nhiễm trùng rốn. Hơn nữa, quy trình EENC không thực hiện hút nhớt cho trẻ, trừ những trường hợp trẻ bị tắc nghẽn đường thở mới thực hiện hút nhớt. Cách làm này giảm tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cho trẻ, bởi khi thực hiện hút nhớt dễ làm tổn thương đến niêm mạc mỏng manh của trẻ, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công... Trẻ được tiếp xúc trực tiếp da kề da ít khóc hơn so với các trẻ được bệnh viện chăm sóc.
“Phương pháp EENC bước đầu đã được triển khai ở một số bệnh viện trong nước. Quy trình này sẽ được phát triển ra toàn quốc ở các cơ sở đỡ đẻ từ nay đến năm 2020”.
BS Đinh Tuấn Anh (Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em)
Thúy Nga