Tác hại đáng sợ của ma túy "Socola bay"

Google News

ADB-Buticana và các dẫn xuất của nó có trong “Socola bay” thuộc nhóm cần sa tổng hợp và bị xem là chất ma túy. Người sử dụng chất này sẽ bị gây ảo giác mạnh, hoang tưởng, ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe...

Chất gây nghiện "núp bóng" thực phẩm
Theo Công an Thành phố Hà Nội, thời gian qua, chất gây nghiện "núp bóng" thực phẩm như kẹo viên, kẹo socola, kẹo xoài, kẹo mút tẩm cần sa, bánh quy, bỏng ngô,...xuất hiện trôi nổi trên thị trường, gây nguy hại cho người dân, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.
Vào tháng 5/2023, một loại ma túy dưới dạng "Socola bay" đã khiến 3 trẻ nhỏ nhập viện ở Hà Nội. Theo thông tin trên VOV, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cấp cứu thành công 3 trẻ nhỏ ở khu vực nội thành Hà Nội, cùng ăn một loại bánh socola được hàng xóm cho, sau đó có biểu hiện ngộ độc.
Tac hai dang so cua ma tuy
 
Qua điều tra ban đầu, vụ việc xảy ra khi 1 trong 3 cháu nhỏ được người hàng xóm cho bánh socola nói là mang ở công ty sau khi liên hoan về. Cháu bé đã chia cho 2 bạn khác cùng xóm trọ ăn, khiến cả 3 bị ngộ độc. Qua xét nghiệm cho thấy, trong bánh socola mà 3 cháu nhỏ ăn có chứa loại ma túy mới, được gọi là "Socola bay".
Trước đó, vào tháng 11/2022, một người phụ nữ ở Hà Nội bị ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô.
Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin về trường hợp này cho biết, khoảng 16h30 ngày 29/11, bà C. ăn 2 miếng bỏng ngô (do con bà đặt mua trên mạng). Sau 1 tiếng, bà C. cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, sau đó ý thức lơ mơ nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai.
Tac hai dang so cua ma tuy
Mẫu bỏng ngô đã sử dụng do gia đình cung cấp. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống.  
Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC (một chất chính có trong cần sa). Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc cần sa, được cấp cứu và điều trị theo phác đồ và đã qua cơn nguy kịch.
Tháng 5/2022, ngành y tế thành phố Hà Nội cũng đã ghi nhận 5 trường hợp cấp cứu sau khi sử dụng loại thực phẩm có tên “Socola chill max”. Sau khi kiểm định, cơ quan chức năng tìm thấy chất ADB-Butinaca trong các viên socola.
Hồi tháng 10/2021, 13 học sinh trường THPT Hoành Bồ (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) biểu hiện rối loạn chức năng, nhập viện điều trị, có kết quả dương tính với ma túy.
Báo Pháp luật Việt Nam đưa tin, vào khoảng 7h45 ngày 25/10, trong thời gian diễn ra lễ chào cờ đầu tuần, một nữ sinh lớp 10 của trường có biểu hiện tê bì chân tay, cảm giác khó chịu toàn thân. Sau đó, 12 học sinh khác cũng có biểu hiện tương tự.
Ngay khi phát hiện sự việc, Ban Giám hiệu nhà trường đã cùng Tổ y tế sơ cứu ban đầu và chuyển các học sinh này đến Bệnh viện Đa khoa Hạ Long.
Qua rà soát nhanh cho thấy, các học sinh trên cùng ăn một loại kẹo không rõ nguồn gốc do em M.T.S (học sinh lớp 10A2 trường THPT Hoành Bồ) mang đến.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hạ Long, sau khi làm test nhanh, 13 học sinh đều có kết quả dương tính với ma túy (THC-cần sa).
Ban Giám hiệu trường THPT Hoành Bồ đã báo cáo các cơ quan chức năng, phối hợp với Công an phường Hoành Bồ lập biên bản sự việc, niêm phong gói kẹo học sinh sử dụng nộp cho công an để phục vụ điều tra.
"Socola bay" nguy hiểm sao?
Cơ quan chức năng khuyến cáo, ADB-Buticana và các dẫn xuất của nó có trong “Socola bay” thuộc nhóm cần sa tổng hợp và bị xem là chất ma túy.
Theo Viện Khoa học Hình Sự - Bộ Công an, ADB-Butinaca có công thức phân tử C18H26N4O2, thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp vì tác dụng của nó gây ra ảo giác, cũng như kích thích thần kinh trung ương giống như hoạt chất THC có trong cần sa.
Được biết, từ ngày 25/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất thay thế Nghị định 73/2018/NĐ-CP (ngày 15/5/2018) và Nghị định 60/2020/NĐ-CP (ngày 19/5/2020). Nghị định 57/2022/NĐ-CP đã bổ sung thêm 17 chất ma túy và 3 tiền chất, nâng tổng số chất cần kiểm soát ở Việt Nam là 557 chất ma túy và 60 tiền chất. Theo đó, đã bổ sung chất ADB-Butinaca vào trong danh mục các chất ma túy ở Việt Nam.
Hiện nay, nhóm cần sa tổng hợp chứa hàng trăm chất khác nhau và ADB-Butinaca là một trong số các chất như vậy. Các chất này bị cấm tại hầu hết quốc gia trên thế giới.
Người sử dụng chất này sẽ bị gây ảo giác mạnh, hoang tưởng, ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe; không làm chủ bản thân, hành vi của mình, từ đó đã dẫn đến những hành động không kiểm soát, mất nhân tính, vi phạm pháp luật, làm mất an ninh trật tự.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn trộn ma túy trong thực phẩm, đồ uống. Theo đó, để đối phó với thực trạng này cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Đối với các gia đình có trẻ nhỏ, cần chú ý không để trẻ ăn những loại bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giáo dục trẻ không nhận đồ ăn, sử dụng đồ ăn từ người lạ.
Với độ tuổi trẻ vị thành niên, cần giáo dục trẻ tác hại của ma túy, đặc biệt với những loại thuốc lá điện tử đang tràn lan trên thị trường hiện nay cũng dễ dàng trà trộn ma túy.
 >>> Mời độc giả xem thêm video: 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm

Nguồn video: THĐT

P.V (Tổng hợp)