Tâm sự của người vợ kiệt quệ mỗi lần chồng mang giấy nợ về nhà

Google News

Mỗi lần trả nợ cho chồng, em cảm giác như mình bỏ tiền ra để mua thêm những ngày có cha cho con gái, mua sợi dây mong manh để giữ lại một gia đình... và mua thêm một lần hy vọng.

Người phụ nữ 29 tuổi, ở tỉnh Quảng Ngãi nghẹn ngào kể: Chúng em yêu nhau 3 năm mới cưới, lúc ấy anh rất cưng chiều em. Trước khi gặp em, anh đã nhiễm thói cờ bạc kinh khủng, hầu như gia đình anh bất lực và có phần tuyệt vọng, nhưng từ khi có em, anh dần bỏ hẳn tệ nạn này, chăm chỉ làm ăn. Em cũng hy vọng và vui mừng rất nhiều, bởi anh đã bỏ được thói hư tật xấu, vậy mà đến bây giờ, em thực sự bế tắc trong cuộc hôn nhân này.
Em lấy chồng đến nay được 8 năm. Lúc gần cưới, 2 đứa quyết định về sống thử trước hôn nhân 5 tháng, vì cả 2 đều là sinh viên xa nhà và gia đình chồng rất ủng hộ chuyện 2 đứa.
Tam su cua nguoi vo kiet que moi lan chong mang giay no ve nha
Ảnh minh họa. 
Lúc sống thử thì cuộc sống 2 đứa rất êm ấm, hạnh phúc, vì cả 2 cùng vun vén xây dựng gia đình, vậy mà cưới xong, tính tình anh bắt đầu thay đổi, 2 đứa cứ đi làm về nhà là cãi nhau, rồi giận nhau toàn chuyện linh tinh, nhỏ nhặt.
Vợ chồng em ở chung với bố mẹ chồng nhưng kinh tế hầu như ông bà lo cho hết. Bố chồng hơi khó tính nhưng ông cũng tốt, mẹ chồng em thì tuyệt vời, bà rất thương con, thương cháu. Mọi việc ở nhà thường bà làm hết khi con cái đi làm mà không bao giờ kêu ca phàn nàn. Sinh con gái đầu lòng, em cũng được ông bà nội thay nhau chăm sóc, hỗ trợ. 2 vợ chồng em cứ cãi nhau là bố mẹ chồng lại giàn hoà, nhắc nhở con dâu, con trai sống có trách nhiệm với nhau hơn.
Cứ ngỡ, sống trong một gia đình như vậy thì hôn nhân của vợ chồng em cũng yên ấm lắm, vậy mà chồng em không thay đổi tích cực, mà bỗng nhiên trở thành con người khác. Khi lấy nhau về được gần 2 năm thì chồng em bắt đầu cờ bạc trở lại, càng ngày càng kinh khủng... Anh bán nhà, bán đất, bán tất cả niềm tin và cuộc sống gia đình để thoả được thói ham vui, mặc cho vợ và bố mẹ điêu đứng, đau khổ, mệt mỏi vì anh… 
Em đã bao lần khuyên bảo anh, nhắc nhủ anh nhưng anh vẫn chứng nào tật ấy. Sự tuyệt vọng, bất lực ở bố mẹ anh thể hiện rõ trong mỗi bữa cơm không muốn ăn, trong mỗi ngày ông bà thở dài ngao ngán, em lại thấy xót lòng.
Dù em cũng nản lắm, nhiều lần muốn ôm con rời khỏi căn nhà ấy đi nơi khác, nhưng mỗi lần nghĩ tới cảnh con gái nhỏ phải lầm lũi khổ cực theo mình đến nơi đất khách quê người, mỗi lần con gọi bố, nhớ bố, khóc đòi điện thoại tìm bố là em đau thắt ruột gan, em lại không đành lòng xách túi ra đi. Em chỉ mong sao con gái và cha mẹ hai bên không phải đau lòng vì có con hư, nên em lại bỏ đi ý nghĩ ấy để toàn tâm quay về, em nghĩ một mình em chịu đựng anh, để bố mẹ già 2 bên và con gái không biết mọi việc xảy đến với anh là được.
Chồng em bình thường cũng tốt với vợ con nhưng chỉ cần dính vô tệ nạn là quên trời đất, nói dối quanh co để bỏ làm đi chơi cho thỏa mãn. Mỗi lần chồng mang giấy đòi nợ về, em thực sự đã cạn kiệt sức chịu đựng anh và muốn ly hôn, thì chồng và bố mẹ chồng làm đủ mọi cách níu kéo, giữ em ở lại, nhưng em đã mệt mỏi lắm rồi...
Hôm qua, chồng về lại bảo anh nợ 30 triệu đồng nữa.... Em đã khóc rất nhiều, nhìn con ngủ, nhìn ba mẹ chồng lầm lũi thân già, nhìn lại bản thân mình xác xơ mà hận chồng ghê gớm. Ngày mai, em lại phải chạy vạy vay mượn để trả nợ cho anh. “Đây là lần cuối cùng anh xin em… cứu giúp anh”…. Lòng em tan nát hết sau mỗi lần nhận tờ giấy đòi nợ của anh mang về, em vừa buồn, vừa nản, vừa như bị dồn đến bước đường cùng.
Em đã kiệt quệ sức lực, kiệt quệ lòng tin và cạn kiệt niềm hy vọng… Bởi em đã “bán” tất cả niềm tin, hy vọng suốt nhiều năm qua để “mua” anh về. Nhưng chắc chắn, nếu thêm một lần anh nhắc đến chữ “nợ”, em sẽ bỏ lại anh với tất cả niềm hy vọng, em sẽ mang con gái đi thật xa để thoát khỏi cuộc sống đáng sợ này của anh. Chắc chắn chỉ thêm một lần này, em cố gắng “mua” anh về cho con mà thôi. 
Theo Phụ nữ Việt Nam