Cỏ mực là cây gì ?
Cây cỏ mực còn có các tên khác như rau mực hay nhọ nồi (tên chữ hán hạn liên thảo là loài cây đài quả như sen) với tên khoa học là Eclipta alba Hassk, thuộc họ nhà cúc Asteraceae. Sở dĩ gọi nó là cỏ mực vì khi vò nát thấy có nước chảy ra đen như mực.
Ở Ấn độ, cỏ mực là một trong số mười cây hoa quý (Dasapushpam), được sử dụng làm mỹ phẩm bôi da, thoa tóc từ thời xưa… nó cũng là nguyên liệu chế tạo chất phẩm nhuộm tóc đen.
Tại Java, người ta dùng lá làm thực phẩm.
Đặc điểm của cây cỏ mực
Cỏ mực thuộc loại cây hàng năm mọc bò hoặc thẳng đứng, có lông thưa, cứng với chiều cao trung bình từ 0.2 - 0.4m, có thể đến 0.8m. Có thân màu nâu, lục nhạt hoặc hơi đỏ tía. Lá mọc đối, các phiến lá hẹp và dài tầm 2.5cm x 1.2cm. Mép lá nguyên hoặc có răng cưa cạn, có lông cả ở hai mặt lá. Hoa có màu trắng hợp thành đầu, mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá, có hoa lưỡng tính ở giữa và hoa cái bên ngoài. Quả bế cụt đầu hoặc dẹt, có 3 cạnh màu đen dài tầm 3mm, rộng 1.5cm.
Tác dụng
Thành phần hóa học: có ít tinh dầu, tannin, chất đắng, caroten và chất ancaloit gọi là ecliptin. Có tài liệu nói trong cỏ mực có chứa chất wedelolacton là một chất curmarin lacton và tách được chất demetylwedelacton và một flavonozit. Cỏ mực cũng giống như vitamin K có tác dụng chống lại tác dụng của discumarin, chống chảy máu tử cung trên động vật thí nghiệm. Cỏ mực không gây tăng huyết áp, không làm giãn mạch, không độc.
Theo y học cổ truyền, cỏ mực có vị ngọt, chua, tính lương (mát huyết), chỉ huyết (cầm máu) vào 2 kinh can và thận, tác dụng bổ thận âm, thanh can nhiệt, làm đen râu tóc, chỉ huyết lỵ, dùng chữa can thận âm kém, xuất huyết nội tạng (chảy máu dạ dày, tiểu tiện ra máu, thổ huyết do lao, rong kinh), kiết lỵ, viêm gan mạn, chấn thương sưng tấy lở loét, mẩn ngứa… Trong dân gian thường dùng cỏ mực giã vắt lấy nước để uống cầm máu trong rong kinh, trĩ ra máu, bị thương chảy máu. Còn dùng chữa ho hen, ho lao, viêm cổ họng. ngày dùng 6 - 12g dước dạng thuốc sắc hay làm thành viên mà uống. Có người dùng chữa nấm ngoài da, làm thuốc mọc tóc (sắc uống hoặc ngâm vào dầu dừa mà bôi), nhuộm tóc.
Sách Nam dược thần hiệu cỏ mực dùng để chữa chứng chảy máu mũi đêm ngày không dứt, lấy cỏ mực giã nát, đắp vào giữa mỏ ác và trên trán.
Sách Thần nông bản thảo gọi cỏ mực là “thuốc cầm máu nổi tiếng”. Sách Đường bản thảo viết, người bị chảy máu dữ dội dùng cỏ mực đắp sẽ cầm, bôi nước lên đầu thì tóc sẽ mọc lại nhanh chóng.
Điền nam bản thảo cho rằng, cỏ mực làm chắc răng, đen tóc, chữa khỏi 9 loại trĩ.
Bản kinh (ra đời cách đây 2000 năm) viết: “Máu chảy không cầm, đắp cỏ mực cầm ngay”.
Ngày nay, vị thuốc này được dùng nhiều trong điều trị sốt xuất huyết muỗi truyền, ung thư và nhiều bệnh khác.
Viện Dược liệu từng nghiên cứu tác dụng cầm máu và độc tính của cỏ mực và nhận thấy nó có khả năng chống lại tác dụng của dicumarin (thuốc chống đông), cầm máu ở tử cung, tăng trương lực tử cung. Cỏ mực không gây giãn mạch, không hạ huyết áp, nhưng có thể gây sảy thai.
Theo Tieudung