Ca bệnh vỡ tim này là bệnh nhân N.V.T (30 tuổi) vốn có sức khỏe tốt, chơi thể thao đều đặn.
Thông tin trên trang web của Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước 5 ngày vào viện, anh T. xuất hiện các cơn ho, khạc đờm trắng đục và sốt cao 39 độ C kèm đau rát họng. Dù test COVID-19 âm tính nhưng cơ thể mệt nhiều, anh đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối phình ở thành sau thất trái, theo dõi viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn và chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
|
Tiến sĩ Dương Đức Hùng thăm khám và chúc mừng nam bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm. Ảnh: BVCC/Vietnamnet. |
Đêm 5/6, bệnh nhân được chuyển đến Đơn vị Hồi sức Cấp cứu C1 - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng sốt 38 độ C; đau ngực nhẹ, nhịp tim nhanh…Siêu âm cấp cứu tại giường, các bác sĩ tim mạch thấy khối phình sau thành thất trái, khối phình rất mỏng có thể vỡ bất cứ lúc nào. Các bác sĩ dõi sát sao và chỉ định làm thêm một loạt xét nghiệm thăm dò khác.
Sáng 6/6, bệnh nhân T. đột ngột ngừng thở, ngừng tim, mất hoàn toàn ý thức. Chỉ số trên các phương tiện theo dõi cho thấy bệnh nhân đã rơi vào tình trạng “chết lâm sàng".
Phó giáo sư, Tiến sĩ Tạ Mạnh Cường, Phó viện trưởng Viện Tim mạch - Trưởng đơn vị Hồi sức C1, nhận định đây là tình huống nguy kịch khẩn cấp. Lập tức, ông chỉ đạo khởi động hệ thống báo động đỏ toàn viện.
Ngay sau đó, ê-kíp cấp cứu ngừng tuần hoàn được khởi động, bệnh nhân được ép tim hỗ trợ về hô hấp để duy trì huyết áp. Kíp can thiệp của C1 cũng lập tức được huy động. Máy siêu âm tại giường khẩn cấp được đẩy đến bên bệnh nhân. Kết quả siêu âm cho thấy khối phồng đã vỡ. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân “chết lâm sàng”.
Bác sĩ Tạ Mạnh Cường đã liên hệ khẩn cấp với TS. BS. Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch C8 - Viện Tim mạch. Sau thông tin hội chẩn cấp cứu qua điện thoại, kíp mổ được triển khai nhanh chóng và trực tiếp TS.BS. Dương Đức Hùng tiến hành ca phẫu thuật.
Chỉ sau 5 phút, lồng ngực của bệnh nhân đã được mở, các chèn ép tim đã được giải tỏa, tuần hoàn ngoài cơ thể được thiết lập để duy trì các chức năng sống cơ bản cho người bệnh. Đánh giá thương tổn cho thấy khối phình đã vỡ làm máu ào ra và chèn ép tim khiến bệnh nhân mất huyết áp, ngừng tim, chết lâm sàng.
Là phẫu thuật viên dày dặn kinh nghiệm trong việc xử trí mạch máu, bác sĩ Dương Đức Hùng đã tiến hành khâu tạm chỗ vỡ để cầm máu tạo điều kiện hồi sức cho tim đập lại. Sau 3 tiếng căng thẳng, các phẫu thuật viên đã tạo hình lại buồng tim đã vỡ.
Sau ca mổ “thần tốc", bệnh nhân T. được chuyển sang khu hồi sức của C8. Lúc này lại phát sinh một mối lo khác. Đó là không biết tình trạng não của bệnh nhân tổn thương ra sao, sau một thời gian ngừng tuần hoàn khá dài. Tất cả các kỹ thuật tốt nhất, thuốc tốt nhất, trang bị tốt nhất để hồi sức tim phổi, hồi sức não đã được áp dụng cho bệnh nhân.
Đáng mừng, sau 3 ngày, bệnh nhân đã tỉnh lại. Sau 5 ngày, bệnh nhân có thể ngồi dậy nói chuyện.
Được biết, hiện tại, 1 tháng sau mổ, bệnh nhân T. hoàn toàn ổn định.
Cũng trong tháng 6/2023, một bé gái 4 tuổi bị vỡ tim đã được các bác sĩ cứu sống ngoạn mục. Thông tin trên báo Vietnamnet ngày 24/6 cho biết, bé N.A.T (gần 4 tuổi, trú huyện Nghi Lộc) đã được đưa đến Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cấp cứu trong tình trạng sốc, mạch nhanh nhỏ, kích thích vật vã, nguy cơ tử vong gần…Được biết, bệnh nhi bị vỡ tim sau khi bị xe điện đổ đè lên người.
|
Ê-kíp phẫu thuật cứu sống bệnh nhi. Ảnh: BVCC/Vietnamnet. |
Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực, bệnh nhi được bù dịch, thở máy, xử trí đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, động mạch kết hợp dùng 3 loại thuốc vận mạch kiểm soát huyết động để duy trì chức năng sống. Kết quả siêu âm tim xuất hiện hình ảnh tràn máu màng ngoài tim cấp gây chèn ép tim cấp. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình huống trẻ có thể ngưng tim, tử vong trong tích tắc.
Trước tình huống cấp bách, Khoa Hồi sức ngoại khoa đã báo động đỏ toàn viện, huy động hội chẩn ê-kíp các bác sĩ tim mạch, hồi sức ngoại, gây mê và ngoại tổng hợp. Ê-kíp xác định trẻ bị vỡ tim do chấn thương ngực kín, có chỉ định phẫu thuật cấp cứu tối khẩn.
Các bác sĩ phẫu thuật tim hở, gây mê hồi sức đã chạy đua cùng thời gian để cứu trẻ. Ngay khi mở ngực bệnh nhi, máu từ trong khoang màng tim chảy ra ồ ạt, tim trẻ bị rách nhĩ phải khoảng 1,5cm sát tĩnh mạch chủ dưới. Các phẫu thuật viên khâu vết rách vỡ tim của trẻ, kiểm soát tình trạng chảy máu, dẫn lưu màng ngoài tim và trung thất rồi đóng ngực. Sau đó, bệnh nhi được chuyển về Khoa Hồi sức ngoại khoa để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Sau ca mổ, bệnh nhi dần dần tỉnh táo, được rút ống nội khí quản và các dẫn lưu, chức năng tim mạch hô hấp ổn định.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Phẫu thuật lấy búi tóc nặng gần 1kg trong dạ dày bệnh nhi 11 tuổi
P.V (Tổng hợp)