Anh Quán Văn Bảy chia sẻ về cơ duyên đến với công việc sản xuất đũa cọ, xóm Cạm Phước, xã Kim Phượng, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên) . Clip: Hà Thanh
Cơ duyên đến với nghề sản xuất đũa cọ
Anh Quán Văn Bảy chia sẻ, trước đây công việc của anh là quản lý điện trên địa bàn xã Kim Phượng, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, năm 2014, khi công ty Điện lực Thái Nguyên có chính sách chuyển sang quản lý trực tiếp, anh bỗng chốc trở thành người thất nghiệp.
Giữa lúc đang trăn trở chưa biết làm công việc gì, anh phát hiện nguồn nguyên liệu cọ trên địa bàn huyện Định Hóa tương đối lớn nên nảy ra ý tưởng làm đũa cọ.
Sau khi có ý tưởng, anh Bảy đi vào một số tỉnh trong Nam để tham quan và học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Tuy nhiên, ở đó, họ chủ yếu làm đũa gỗ, nên khi trở về, anh phải cải tiến rất nhiều mới có thể làm được đũa cọ.
Anh Bảy cho biết, anh là người đầu tiên sản xuất đũa cọ tại địa phương nên khi bắt tay vào làm, trên thị trường không có máy móc phù hợp để sản xuất đũa cọ. Do đó, anh phải tự thiết kế và chế tạo máy móc sản xuất đũa cọ.
Từ quy mô nhỏ lẻ lúc đầu với 4 máy, bản thân anh Bảy cũng trải qua giai đoạn làm thợ, dần dần anh mới mở rộng quy mô diện tích, đầu tư thêm máy móc và thuê lao động để sản xuất. Đến nay, xưởng sản xuất đũa cọ của anh đang có quy mô 200m2 với tất cả 12 máy móc các loại.
Theo anh Bảy, để làm ra được một đôi đũa hoàn chỉnh cần trải qua 4 công đoạn chính. Bước đầu tiên là lựa chọn nguồn nguyên liệu, cần chọn những cây cọ già, vì nếu cây non sẽ không sử dụng được. Bước tiếp theo là làm phôi tươi, sau đó đưa vào lò sấy khô. Đến bước này, nếu bán phôi thô thì coi như đã hoàn tất, còn nếu không, tiếp tục trải qua công đoạn doa để hoàn thiện thành phẩm.
Đối với hàng thành phẩm chủ yếu được tiêu thụ vào thời điểm đầu năm và cuối năm vì lúc này nhu cầu của khách hàng lớn. Còn từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm, anh Bảy bán sản phẩm thô cho các đơn vị để họ chế biến thành phẩm.
Công nhân có thu nhập ổn định
Khác với nhiều cơ sở sản xuất đũa trên thị trường hiện nay, để đôi đũa được bóng và đẹp, cơ sở của anh Bảy hoàn toàn không sử dụng hóa chất mà sử dụng loại sơn an toàn đã qua kiểm nghiệm. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh Bảy sản xuất ra từ 15.000 - 20.000 đôi đũa cọ.
Hiện nay, xưởng sản xuất đũa cọ của anh Bảy đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 13 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5 – 7 triệu đồng/tháng.
Chị Lý Thị Dung (xóm Bản Kết, xã Kim Phượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) là lao động làm việc tại xưởng sản xuất đũa cọ của gia đình anh Bảy. Chị Dung cho biết, công việc tại xưởng tương đối nhàn hạ, đều đặn mà thu nhập lại ổn định từ 4,5 – 5 triệu đồng/tháng, phù hợp với mức sống của người dân địa phương. Do đó, chị đã gắn bó với công việc này được một thời gian dài.
Hiện sản phẩm đũa cọ của gia đình anh Bảy có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, thậm chí có thời điểm không đủ hàng để bán. Sản phẩm đũa cọ được gia đình anh xuất bán đi hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước với giá bán 700 đồng/đôi phôi thô và từ 1.500 - 2.000 đồng/đôi thành phẩm. Bình quân thu nhập mỗi tháng từ sản xuất đũa cọ của gia đình anh Bảy đạt khoảng 20 triệu đồng.
Cuối năm 2022, sản phẩm đũa cọ Hoàng Linh của gia đình anh Bảy đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Anh Bảy chia sẻ, anh dự định sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất trong thời gian tới. Tuy nhiên việc sản xuất đũa cọ phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu tại địa phương, trong trường hợp nguồn nguyên liệu khan hiếm anh sẽ chuyển sang sản xuất đũa gỗ.
Với mô hình sản xuất đũa cọ, năm 2022 anh Quán Văn Bảy đã được UBND tỉnh Thái Nguyên tặng bằng khen Hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Theo Hà Thanh - Kiều Hải/Dân Việt