Thay khớp nhân tạo với hai trục linh động

Google News

(Kiến Thức) - Ngày 7/7, Bệnh viện Việt Đức cùng GS.TS Yeo Seng Jin (Singapore) lần đầu tiên tiến hành thay khớp háng nhân tạo (KNT) với hai trục linh động cho bệnh nhân bị gẫy cổ xương đùi.

Hỏng khớp gây đau và tàn phế
Bệnh nhân đầu tiên được thực hiện kỹ thuật thay khớp háng nhân tạo mới này là bà Nguyễn Thị Thanh (57 tuổi ở Hà Nội) bị ngã gẫy cổ xương đùi không có nguồn máu nuôi cho chỏm xương đùi khiến bệnh nhân đau đớn và không đi lại được. Sau 1 tiếng phẫu thuật thành công bác sĩ cho biết, bà sẽ ra viện sau 7 ngày. Khớp 2 trục linh mới với biên độ vận động lớn sẽ giúp bà đi lại, xoay chuyển dễ dàng gần như khớp tự nhiên.
Thay khop nhan tao voi hai truc linh dong
Thay KNT hai trục linh động cho bệnh nhân. 
BSCK II Đoàn Việt Quân, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức cho biết, hỏng khớp do chấn thương, do thoái hóa khớp (THK) là một trong những bệnh lý thường gặp không chỉ ở người già mà cả người trẻ gây đau đớn, biến dạng, gây khó khăn trong đi lại thậm chí mất khả năng đi lại, thành tàn phế. Trước đây, bệnh chỉ được điều trị triệu chứng như giảm đau, kháng viêm mà không điều trị được nguyên nhân là mất sụn đầu xương, lệch trục khớp. Do chỉ điều trị được “phần ngọn” không xử lý được vấn đề “gốc rễ” dẫn đến điều trị lâu dài và xuất hiện các bệnh lý do thuốc giảm đau như viêm xung huyết dạ dày hay loét dạ dày, biến chứng thận hay hội chứng Cushing do sử dụng thuốc Steroid kéo dài. Sự ra đời của khớp gối nhân tạo đã tạo một cuộc cách mạng trong điều trị – điều trị “tận gốc”. KNT được chỉ định thay trong những trường hợp THK nặng, chân bị lệch trục, điều trị dùng thuốc không giảm đã mang lại sự hài lòng cho bệnh nhân hơn 90%, cải thiện khả năng đi lại, sinh hoạt, giảm đau, cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, KNT cũ là khớp đơn trục với biên độ vận động hẹp không chỉ làm hạn chế vận động mà nhiều động tác như ngồi xổm, xếp bằng... bệnh nhân không thực hiện được. Trong khi KNT 2 trục linh với chỏm to nên khả năng chệch khớp giảm thiểu rất nhiều. Hơn nữa, bên trong chỏm to lại có một chỏm nhỏ quay làm cho khớp rất linh động, với biên độ vận động lớn hơn nhiều so với khớp trước đây và độ quay khớp được chia bớt lực giữa hai chỏm nên giảm khả năng mài mòn cho khớp.
Kỹ thuật cao tránh biến chứng
Theo BSCK II Đoàn Việt Quân, thay KNT là một kỹ thuật tiên tiến giúp bệnh nhân phục hồi gần như bình thường chức năng vận động. Tuy nhiên, thay KNT là một trong những phẫu thuật lớn đòi hỏi phẫu thuật viên phải nắm vững quy trình, phải có tay nghề cao, tỉ mỉ trong khám và khi phẫu thuật. Bởi thay khớp là một phẫu thuật cắt đi lớp sụn đầu xương đã bị hư hoại và thay vào đó là lớp mỏng kim loại bao bọc đầu xương tránh cho xương tiếp xúc trực tiếp với xương gây đau. Đồng thời, thay KNT giúp chỉnh lại trục cơ học của háng, chi dưới giúp áp lực phân bố đều hơn. Chất lượng và tuổi thọ của khớp thay phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ, tuổi, thể trạng cơ thể, tình trạng xương và sự tuân thủ điều trị của người bệnh.
Bác sĩ tay nghề cao khớp thay chuẩn không chỉ tốt cho vận động mà còn tăng tuổi thọ cho khớp. Nếu kỹ thuật thay kém, nhỏ hơn sẽ dễ trật, to hơn thì nhanh mài mòn đó là chưa kể đến những tai biến, biến chứng khi thực hiện kỹ thuật. Tại Bệnh viện Việt Đức, từ cuối năm 1990 đã thực hiện thay KNT các loại cho gần 3.000 bệnh nhân với tỷ lệ tốt đạt 92%, thời gian nằm viện trung bình 7 ngày, chỉ có 3% bị trật khớp, 2% bị nhiễm trùng, chân ngắn 10%, gẫy xương đùi 1%...
Mời quý độc giả xem video Tai biến y khoa (nguồn VTV):
Thúy Nga