Sốc nhiệt là gì?
Sốc nhiệt là tình trạng thân nhiệt tăng cao đột ngột, quá mức (thường trên 40 độ C) do tiếp xúc với nhiệt độ ngoài trời quá cao trong một thời gian dài, trong khi cơ thể chưa kịp thích nghi. Từ đó, cơ thể ra nhiều mồ hôi làm mất nước, chất điện giải gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt của thần kinh trung ương.
Khi bị sốc nhiệt, người đó sẽ có biểu hiện như nhiệt độ cơ thể tăng cao (thường lớn hơn hoặc bằng 40 độ C); buồn nôn và nôn; da nóng và đỏ; tăng nhịp tim, khó thở; xuất hiện hành vi lạ và có thể bị ảo giác như nói lắp, cáu khỉnh, không kiểm soát được hành vi, co giật hoặc hôn mê; đau đầu, đầu có thể đau nhức nhói.
Biện pháp xử lý khi bị sốc nhiệt ngày hè nắng nóng
|
Khi gặp người bị sốc nhiệt cần phải nhanh chóng sơ cứu cho bệnh nhân (Ảnh minh họa). |
Sốc nhiệt là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm có thể gây chết người, do đó khi gặp người bị sốc nhiệt cần phải sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách sau:
Đầu tiên phải đưa nạn nhân vào bóng râm, cởi bớt quần áo không cần thiết, tưới nước mát hoặc nước hơi ấm lên người nạn nhân. Bạn cần bật quạt để làm thoáng không khí và thúc đẩy ra mồ hôi và bốc hơi, đặt túi chườm đá ở nách và bẹn. Nếu cần thiết có thể cho cơ thể nạn nhân vào bồn nước mát hoặc nước đá.
Trường hợp nạn nhân còn tỉnh táo, bạn hãy cho họ uống nước mát và nước lạnh. Lưu ý không nên cho nạn nhân uống các đồ uống có chứa cồn và cafein, bởi cả hai chất này có thể khiến bạn mất nhiều dịch hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt.
Khi sơ cứu xong, bạn cần tiếp tục để nạn nhân nghỉ ngơi và theo dõi nhiệt độ thường xuyên, liên tục làm mát đến khi nhiệt độ giảm xuống còn 38,3- 38,8 độ C.
Trong trường hợp nếu nạn nhân hôn mê bất tỉnh và mất hết ý thức, không thấy có dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động cần gọi cấp cứu nếu có thể. Nếu xa các cơ sở y tế, bạn cần tham khảo các y bác sĩ cách sơ cứu cho nạn nhân trước.
Cách phòng chống sốc nhiệt mùa hè
Điều quan trọng để phòng ngừa sốc nhiệt là tránh để cơ thể mất nước và hoạt động liên tục hay quá sức dưới thời tiết nắng nóng kéo dài. Vì vậy, nếu đặc thù công việc của bạn phải làm việc trong môi trường nắng nóng hãy uống thật nhiều nước mỗi ngày và bảo vệ che chắn cho cơ thể bởi các thiết bị chống nắng. Lưu ý, hãy sử dụng kem chống nắng hàng ngày.
Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế ra ngoài lúc trời nắng nóng cao điểm và nên lựa chọn cho mình những trang phục rộng rãi, thoáng mát và sáng màu.
Ngoài ra, bạn cần tránh các đồ uống chứa cafein hoặc cồn, bởi cả hai chất này có thể khiến bạn mất nhiều dịch hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt. Cần bổ sung các chất điện giải (natri) và nước cho cơ thể nếu đổ mồ hôi nhiều, hoặc làm việc dưới ánh mặt trời lâu trong những ngày nắng nóng.
Theo giadinhvietnam.com