Chị Nguyễn Huyền M. 43 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội bệnh nhân ung thư vú đã điều trị 4 năm. Chị M. cho biết từ ngày chị bị bệnh ung thư, chị cắt toàn bộ thịt có màu đỏ, hạn chế thịt động vật 4 chân đã giảm nguy cơ tái phát ung thư.
|
Bệnh nhân ung thư không được ăn thịt đỏ. |
Theo chị M. phương pháp ăn uống của chị là tăng kiềm hóa trong thực đơn hàng ngày của mình.
Không riêng chị M., ông Nguyễn Văn Th. 54 tuổi, ung thư đại trực tràng đã điều trị được 2 năm. Ông Th. cho biết ông kiêng hoàn toàn thịt động vật 4 chân, trứng vịt lộn, các loại ốc, ếch, cá ở dưới bùn sâu và thường ăn thịt gia cầm là chính.
Theo GS Lê Thị Hương – Đại học Y Hà Nội với người bệnh ung thư, các bác sĩ không khuyên người bệnh bỏ ăn thịt đỏ hoàn toàn nhưng bệnh nhân chỉ được ăn với số lượng ít. Người dân cần phân biệt rõ, thịt đỏ là thịt của con 4 chân, không phải là thịt có màu đỏ.
Vì vậy, thay vì ăn nhiều thịt đỏ, người bệnh nên ăn nhiều thịt gia cầm, thịt gà, thịt vịt. Trong trường hợp người bệnh thèm ăn thì vẫn có thể ăn thịt đỏ theo khuyến cáo của bác sĩ.
Bên cạnh đó, người dân nên ăn thêm các loại thịt cá, tôm, hải sản vì chúng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như omega 3, omega 6, các chất khoáng, vitamin, kẽm, sát…
GS Hương khuyến cáo người bệnh nên hạn chế các thực phẩm lên men như dưa muối, cà muối, xúc xích, lạp xưởng vì chúng rất mặn, không tốt cho cơ thể.
Giải pháp tốt nhất cho người bệnh là ăn cân đối dinh dưỡng, bổ sung tinh bột từ các loại hạt nguyên sẽ tốt hơn là hạt tinh chế.
Đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng cho bệnh nhân ung thư, PGS Dương Trọng Nghĩa – Bệnh viện Y học trung ương cho biết thực phẩm chức năng cho bệnh nhân ung thư cũng được nhiều bệnh nhân quan tâm. Tuy nhiên theo PGS nghĩa thực phẩm chức năng xếp vào nhóm thực phẩm chứ không phải là nhóm thuốc. Thực phẩm chức năng không điều trị thay thế cho thuốc, các phương pháp chữa bệnh, phẫu thuật…
Thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ cho một số chức năng của cơ thể trong hoàn cảnh nhất định. Một số thực phẩm chức năng giúp bổ sung các khoáng chất, vitamin cần thiết, có tác dụng cải thiện sức khỏe, có chất chiết xuất từ tự nhiên.
Tuy nhiên, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư chứ không có tác dụng chữa bệnh. Trên thực tế, thực phẩm chức năng khá an toàn trong điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Các phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư hiện nay như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, cũng có mặt trái của nó, nhưng đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa thay thế được các phương pháp này.
Các thuốc y dược cổ truyền hiện nay cũng có những loại thuốc giúp ức chế tế bào ung thư, nâng cao sức khỏe bệnh nhân, cải thiện tình trạng bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị, giúp chất lượng cuộc sống của bệnh nhân trở nên tốt hơn.
Tuy nhiên, các loại thuốc đông y chỉ có tác dụng hỗ trợ trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư chứ không thể thay thế các phương pháp y học hiện đại.
Theo K.Chi/Infonet