Tin "thần dược" sừng tê giác trị được sốt, ai ngờ con sốc, ngộ độc
Mới đây, một bé gái 22 tháng tuổi ở Củ Chi, TPHCM đã bị sốc, ngộ độc chỉ sau mấy tiếng uống bột sừng tê giác trị sốt, co giật. Trước đó, bố mẹ em được một người bạn cho một ít bột sừng tê giác, vì tin đây là "thần dược" nên đã cho em bé uống.
|
Sừng tê giác không phải là thần dược như lời đồn thổi. ẢNH: TL |
Chỉ một vài tiếng sau uống, bé gái không chỉ không dứt sốt mà còn mệt mỏi, xanh tím từ đầu ngón tay đến toàn thân, gia đình hoảng hốt đưa con đi cấp cứu. BS Huỳnh Thị Ánh Tuyết, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, sau khi thăm khám, các bác sĩ cấp cứu loại trừ nguyên nhân tim, phổi, lập tức nghi ngờ bé bị ngộ độc.
Bé nhanh chóng được làm xét nghiệm máu, kết quả thật bất ngờ khi nồng độ Methemoglobin gấp 10 bình thường, lên đến 30%. Bình thường nồng độ chất này trong hồng cầu chỉ từ 0 - 3%. Các bác sĩ nhận định bé đã bị tình trạng Methemoglobin máu do uống bột sừng tê giác nên đã cho thở máy, truyền dịch duy trì dấu hiệu sinh tồn, sử dụng than hoạt tính để hấp thụ độc chất, thay máu và áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ khác. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng ngộ độc đã thuyên giảm, bé được cai máy thở, môi và các đầu chi đã hồng hào trở lại, hoạt động chức năng cơ quan bình thường. Bé được chuyển đến Khoa Nội tổng hợp để được theo dõi và điều trị tiếp.
BS Nguyễn Văn Lộc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết, Methemoglobin là một rối loạn máu hình thành là do sắt hoá trị 2 của hemoglobin (trong hồng cầu bình thường) bị hoá thành sắt hoá trị 3, không còn khả năng vận chuyển oxy, gây thiếu oxy mô dù độ bảo hòa oxy trong máu động mạch vẫn bình hường. Tình trạng này xảy ra sau khi trẻ tiếp xúc với một số loại thuốc, hóa chất, thực phẩm... Nồng độ Methemoglobin trong máu từ 15 - 30% gây tím môi và đầu chi, ăn uống kém, lừ đừ nhức đầu, chóng mặt; từ 30 - 50% có thể gây lơ mơ, mất ý thức tạm thời, khó thở… Khi nồng độ này từ 50-70%, bệnh nhân có thể bị hôn mê, co giật, bị các vấn đề về thận hoặc nhịp tim bất thường. Trên 70% thường gây tử vong.
Đừng tin lời đồn nhảm nhí
Theo BS Nguyễn Văn Lộc, hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều người lan truyền thông tin về công dụng chữa bệnh thần kỳ của sừng tê giác. Thậm chí, có lời đồn sừng tê giác chữa được ung thư, giúp quý ông cải thiện "bản lĩnh phòng the", bổ dưỡng nâng cao sức đề kháng, tăng tuổi thọ. Tuy nhiên cho đến nay, khoa học chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sừng tê giác có thể điều trị được bệnh sốt co giật và các bệnh lý khác.
BS Phan Minh Trí, Viện Y Dược học dân tộc TPHCM cho biết, theo y học cổ truyền, sừng tê giác là một vị thuốc được xếp vào nhóm thuốc "thanh nhiệt lương huyết". Sừng tê giác tính hàn, vị đắng, khi dùng có tác dụng đi vào kinh tâm, can, vị (tim, gan, dạ dày). Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, trấn kinh an thần, dùng để điều trị các chứng thuộc ôn bệnh (bệnh do thời tiết sinh ra có tính lây truyền) như sốt cao, hôn mê nói nhảm, co giật, sốt phát ban... Những người cơ thể có tính hàn, không bị bệnh ôn độc và phụ nữ có thai không được dùng.
Trong Đông y hiện nay hầu như không dùng sừng tê giác để chữa bệnh, vì vừa đắt vừa khó tìm. Trong khi đó, trong nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết (mà sừng tê giác nằm trong danh sách này) có tất cả 17 vị thuốc như: Ngưu hoàng, sinh địa, huyền sâm, đan bì, xích thược... vừa rẻ lại vừa dễ tìm, thay thế rất tốt sừng tê giác.
Sừng tê giác có chứa keratin, các dẫn xuất guanidine, carbonat calcium và phosphate calcium. Đồng quan điểm với BS Nguyễn Văn Lộc, BS Phan Minh Trí cho hay, đến nay vẫn chưa có bất kỳ một công trình nghiên cứu khoa học lâm sàng nào chứng minh các tính chất chữa bệnh của sừng tê giác theo y văn cổ.
Đối với quan niệm cho rằng sừng tê giác giúp kích thích tình dục, tăng sức khoẻ, các bác sĩ cho hay, sừng tê giác không có tác dụng bổ huyết, bổ khí, bổ âm, bổ dương nên không làm cho con người khỏe ra. Sừng tê giác tính hàn, không đi vào kinh thận. Trong Đông y, nếu uống sừng tê giác vào dễ làm tổn thương mệnh môn hỏa của thận, làm giảm tinh khí dễ dẫn đến liệt dương, hoặc làm cho âm khí quá mạnh, dương khí không khống chế được âm khí, dễ sinh ra chứng đi tiểu ban đêm nhiều, nhất là đối với người cao tuổi.
Dẫn theo tài liệu nghiên cứu, BS Phan Minh Trí cho hay, trong một cố gắng chứng minh các tính chất trị liệu của sừng tê giác chỉ là chuyện hoang đường, hãng dược phẩm Hoffmann-LaRoche đã tiến hành một nghiên cứu dược lý về tác dụng invitro của sừng tê giác năm 1983 và đưa ra kết luận là không tìm thấy bất kỳ hoạt chất nào có tác dụng chữa bệnh. Đây cũng là kết luận từ một nghiên cứu của một trường đại học của Trung Quốc năm 1990.
Chuyên gia về y học cổ truyền Phan Minh Trí khẳng định: "Việc dùng sừng tê giác để trị bệnh cho đến nay vẫn chỉ dựa vào lời đồn đại, những truyền thuyết và kinh nghiệm cá nhân, lâu dần trở thành niềm tin chứ hoàn toàn không có bất cứ cơ sở khoa học nào".
Theo Thu Nguyên/Giadinh.net