Mới đây, khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, cho biết đơn vị này vừa cấp cứu kịp thời bé N.K.A.D. (22 tháng tuổi, ngụ huyện Củ Chi) bị ngộ độc sừng tê giác.
Bé D. được chuyển vào viện trong tình trạng sốt, mệt mỏi, xanh tím toàn thân. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ Methemoglobin của bệnh nhi rất cao, lên đến 30% (chỉ số bình thường là 0-3%). Trước khi nhập viện, bé được bố mẹ cho uống bột mài ra từ sừng tê giác để chữa sốt co giật.
|
Trong Đông y hiện nay hầu như không dùng sừng tê giác để chữa bệnh, vì đắt vừa khó tìm và có nhiều thảo dược khác thay thế rẻ tiền. Ảnh: Internet. |
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Hữu Minh - Phó khoa phụ trách khám bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương (Hà Nội) - cho hay trong đông y, sừng tê giác là một vị thuốc được xếp vào nhóm thuốc “thanh nhiệt lương huyết”. Tác dụng của nó là thanh nhiệt từ bên trong. Do đó, đối với các trường hợp sốt cao, khi dùng sẽ có tác dụng giảm nhiệt.
Video "Các thực phẩm chống độc siêu hạng". Nguồn: VTC.
Lương y Vũ Quốc Trung cũng cho biết tác dụng duy nhất của sừng tê giác là hạ nhiệt. Tuy nhiên, không nhất thiết phải dùng sừng tê giác bởi có các vị thuốc khác cũng có tác dụng tương tự ngưu hoàng, sinh địa, huyền sâm, đan bì, xích thược vừa rẻ lại vừa dễ tìm.
“Đông y hiện nay hầu như không dùng sừng tê giác để chữa bệnh, vì vừa đắt vừa khó tìm và chúng là động vật quý hiếm cần bảo tồn, cấm sử dụng”, lương y Vũ Quốc Trung cho hay.
Lương y Bùi Hồng Minh, Hội Đông y Hà Nội, nhận định việc ngộ độc có thể xảy ra khi dùng quá liều lượng. Sừng tê giác là vị thuốc tính hàn, trong trường hợp trẻ nhỏ bị cho uống quá nhiều sẽ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc ngộ độc cũng có thể do các hóa chất khác hoặc sừng tê giác giả.
Theo các chuyên gia, sừng tê giác không phải là thần dược. Do đó, người dân không nên nghe những lời đồn thổi vô căn cứ, từ đó sử dụng để gây nguy hiểm đến tính mạng của con em mình.
Trong Đông y hiện nay hầu như không dùng sừng tê giác để chữa bệnh, vì đắt vừa khó tìm và có nhiều thảo dược khác thay thế rẻ tiền.
Hiện nay trên thị trường Việt Nam khoảng 80% là sừng tê giác giả, có 15 người mang sừng tê giác đến hỏi thì 11 người được trả lời là sừng tê giác giả gồm: sừng trâu, sừng bò, sừng dê, sừng linh dương họ mài dũa rất đẹp, trông bề ngoài giống sừng tê giác nhưng khi soi ánh sáng vào thì không có đỏ hồng như sừng tê giác. Đây là một đặc điểm mà chỉ có sừng tê giác mới có.
Thảo Nguyên (TH)