Đặc biệt là trẻ ăn mắt tôm không chỉ bổ mắt mà còn thông minh. Thế nhưng theo các chuyên gia, đầu và mắt tôm không có nhiều chất bổ mà còn là nơi chứa nhiều vi khuẩn cùng chất ức chế sinh sản.
Cố ăn đầu tôm vì được bà “tuyên truyền”
Mỗi tuần, chị Hoàng Thị Liên (Nghệ An) đều mua tôm để chế biến món ăn cho cả gia đình như rim, kho, luộc hấp hay nấu canh. Tuy nhiên, mỗi lần nấu chị đều để nguyên đầu tôm vì quan niệm rằng bộ phận này có nhiều chất nên không thể bỏ đi. Theo đó, khi hấp hay rim thì chị đều bắt con hoặc chồng ăn cả đầu tôm, nhất là không được bỏ mắt. Dù rằng, đầu tôm không có nhiều chất thì cũng phải ăn phần thịt khô xơ phía trong.
Chị Liên chia sẻ, vốn dĩ chị bắt cả nhà ăn đầu tôm vì bà chị luôn bảo đầu tôm có nhiều chất như canxi, đạm... Tương tự, mắt tôm có nhiều omega-3, canxi và các chất giúp bổ mắt. Vì thế, dù đầu tôm không ngon, không có thịt cũng cho vào nấu, lọc ra để ăn.
Theo ThS Ngô Sỹ Vân, Phòng Nguồn lợi và Khai thác nội địa, Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản 1, không ít người khi ăn tôm đã nghĩ phần đầu có nhiều vỏ nên chứa canxi cao, còn phần mang, ruột, cơ quan hô hấp của tôm chứa nhiều chất. Trên thực tế, điều này không chính xác, ngược lại, đầu là nơi chứa các chất độc, bẩn, ký sinh trùng gây bệnh mà chúng ta không nên ăn, nhất là trẻ em. Nếu ăn, không may có thể bị ngộ độc, nhất là tôm nấu chưa chín.
Nguy cơ nhiễm khuẩn, chất độc
Phân tích sâu hơn, ThS Ngô Sỹ Vân cũng nói rõ nhiều nguyên nhân không nên ăn đầu tôm. Cụ thể, phần đầu tôm luôn bị phân hủy đầu tiên khi tôm chết vì là nơi chứa nội quan như ruột, thức ăn đưa vào, mang, cơ quan hô hấp nên cũng có nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng... Khi ăn đầu tôm không chỉ “nạp” các chất bẩn mà còn có nguy cơ nhiễm khuẩn, chất độc nếu chưa đạt được nhiệt độ nấu chín.
|
Ảnh minh họa. |
Ngoài ra, ở phần đầu tôm cũng có cholesterol nhưng không nhiều, nhất là trong mắt tôm có chứa chất ức chế sinh sản của chính loài này. Chất ức chế sinh sản ở tôm được hiểu là khi tôm nhìn thấy ánh sáng, chúng sẽ tác động đến tôm khiến không cứng vỏ cũng như không sinh nở. Vì thế, đôi khi trong nuôi trồng người ta phải bỏ mắt tôm để chúng đẻ. Đối với tôm biển cũng tương tự, khi ở ánh sáng trên bề mặt nước thì tôm không sinh sản mà phải xuống dưới sâu 50m, nơi ít ánh sáng.
“Hiện chưa có nghiên cứu về chất ức chế sinh sản trong mắt tôm gây ảnh hưởng đến người hay các động vật khác, nhưng không phải vì thế mà các chất có ở mắt tôm đều tốt. Trước đây, thực phẩm nhiều, giá tôm rẻ nên người ta không ăn đầu tôm mà chỉ dùng trong chăn nuôi. Song hiện nay do giá tôm trên thị trường ở mức cao nên người ta đã tận dụng trong chế biến cũng như kinh doanh”, ThS Ngô Sỹ Vân cho biết thêm.
Vì thế, theo vị chuyên gia này, khi chế biến thì người tiêu dùng nên bỏ đầu tôm, chỉ ăn phần thịt. Ngoài ra, cũng có một số lưu ý khi ăn tôm là cần rửa sạch, lấy bỏ phần ruột tôm trên sống lưng chúng. Đối với trường hợp có cơ địa dị ứng cần cân nhắc ăn tôm vì dễ bị nổi mẩn, ngứa...
Đối với các loại tôm bé, ThS Ngô Sỹ Vân cho rằng, nếu bỏ được đầu vẫn là tốt nhất. Nhưng không vì các phân tích trên mà dù tôm nhỏ cũng cắt đầu sẽ làm mất công chế biến và không đảm bảo thẩm mỹ của món ăn. Chủ yếu vẫn nên bỏ đầu ở tôm to, nhất là các đầu tôm có các biểu hiện như bị chuyển màu đen. Bởi màu đen này có thể do tôm sống trong môi trường nước bị ô nhiễm kim loại nặng, các loại muối của các chất kết tủa ở mang hoặc tôm bị bệnh dẫn đến đen mang.
Tôm có nhiều canxi và các hợp chất, axit amin… tốt cho sức khoẻ. Vì thế, người già và trẻ em nên bổ sung thêm tôm trong khẩu phần ăn, nhưng không nên dùng quá nhiều một lúc. Cần chọn tôm tươi, chưa bị rũ đầu, các mối nối của vỏ tôm khít (không bị giãn ra). ThS Ngô Sỹ Vân
Mời quý độc giả xem video:
Nguồn Youtube
Hiền Dung