Thực phẩm bẩn “tàn phá” sức khỏe thế nào?

Google News

Thực phẩm bẩn chứa nhiều chất độc tiềm ẩn gây hại cho sức khỏe, tiêu thụ thời gian dài có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm, bao gồm cả ung thư.

Thực phẩm bẩn là gì?
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, thực phẩm bẩn là tên gọi chung chỉ những thực phẩm chứa các chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Các chất này thường là những chất hóa học và thuốc kháng sinh vượt quá mức an toàn mà Bộ Y tế cho phép trong quá trình nuôi trồng.
Ngoài ra, thực phẩm bẩn còn có thể chứa những hợp chất gây hại từ việc xâm nhập và phát triển của vi khuẩn, nấm mốc, thậm chí là virus trong quá trình sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm không đúng cách.
Thuc pham ban “tan pha” suc khoe the nao?
 Ảnh minh họa. 
Thực phẩm bẩn hại sức khỏe thế nào?
Theo trang eurofins.vn, việc sử dụng thực phẩm bẩn, quá nhiều hóa chất, dư thừa thuốc trừ sâu, kháng sinh hay chất bảo quản một cách thiếu kiểm soát sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.
Ở mức độ cấp tính, sử dụng phải thực phẩm bẩn có thể gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, rối loạn đường ruột, ngộ độc thực phẩm…
Ở mức độ mãn tính, các chất hóa học, thuốc trừ sâu trong thực phẩm bẩn khi vào cơ thể sẽ ngấm từ từ vào tế bào, rồi tích tụ, lâu ngày trở thành chất gây ung thư, vô sinh…
Liên quan đến mối nguy của thực phẩm bẩn, báo Quân đội Nhân dân dẫn đánh giá của các chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh, thực phẩm không an toàn là hiểm họa không nhìn thấy, trừ những trường hợp ngộ độc rõ ràng.
Các chất phụ gia, chất bảo quản hóa học không được phép sử dụng cho người hoặc quá liều cho phép đều có thể gây tổn hại các tế bào trong cơ thể và ảnh hưởng đến thế hệ sau. Bởi tế bào sinh sản của hệ sinh dục là một trong các tế bào dễ bị tổn thương nhất; nếu bị tổn thương sẽ gây ức chế hoạt động của buồng trứng và tinh hoàn, tạo ra nhiều trứng non không đủ trưởng thành nhưng vẫn rụng hoặc tạo ra các tinh trùng dị dạng khó thụ thai và dẫn đến vô sinh.
Trong khi đó, hóa chất độc hại, vi khuẩn, virus, nấm mốc... từ thực phẩm bẩn khi vào cơ thể sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tấn công và kích hoạt quá mức tế bào Kupffer trong gan; làm sản sinh các chất gây viêm, phá hủy tế bào gan, dẫn đến nhiều bệnh lý gan nguy hiểm, trong đó có ung thư gan.
Việc sử dụng các loại đồ ăn lên men, thực phẩm bị nấm mốc, tồn dư hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng...
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, thực phẩm bẩn là một trong những thủ phạm liên quan đến tỷ lệ người bị ung thư ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Và ung thư đại trực tràng cũng là loại ung thư có mối liên quan tới thực phẩm bẩn.
Do vậy, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng các bệnh gây ra từ thực phẩm bẩn có ý nghĩa thực tế rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội, bảo vệ môi trường sống.
Mục tiêu đầu tiên của vệ sinh an toàn thực phẩm là đảm bảo cho người ăn tránh bị ngộ độc do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm hoặc có chất độc; thực phẩm phải đảm bảo lành và sạch.
Người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm có nguồn gốc, thời hạn sử dụng rõ ràng ở những nơi có địa chỉ uy tín như siêu thị và các cửa hàng thực phẩm được chứng nhận bởi cơ quan chức năng,...
>>> Mời độc giả xem thêm video: 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm

Nguồn video: THĐT

P.V (Tổng hợp)