Thực phẩm sạch: Mơ về nơi xa lắm!

Google News

TPHCM đang đi tiên phong trong việc truy xuất nguồn gốc (TXNG) thực phẩm từ thịt heo, rau củ, sắp tới đây là trứng, gia cầm.

Nóng như truy xuất heo
Đề án Nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của Sở Công thương TPHCM triển khai hồi cuối năm 2016, chủ yếu thực hiện ở các kênh hiện đại. Ngày 31/7, đề án này bắt đầu vào hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn, nhưng “cuộc chiến” hết sức cam go.
Rạng sáng ngày 14/8, Đoàn liên ngành gồm Sở Công thương, lực lượng Cảnh sát giao thông, Chi cục Quản lí thị trường, Chi cục Thú y, lực lượng thanh niên xung phong triển khai chốt chặn tại đại lộ Nguyễn Văn Linh, đón đầu cổng vào chợ đầu mối Bình Điền nhằm kiểm soát heo không đeo vòng nhận diện TXNG.
Thuc pham sach: Mo ve noi xa lam!
Người dân bớt mặn mà TXNG heo tại siêu thị. Ảnh: PV. 
Từ 12h45 đến 0h15, Đoàn liên ngành kiểm tra gần chục xe bán tải đông lạnh nhưng hầu như không có xe nào chở heo. Từ 0h30 đến 1h20, hơn chục xe bị kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện có 16 xe chở heo, trong đó tới 13 xe vi phạm.
Theo ghi nhận, đa số xe vận chuyển heo đều từ tỉnh Long An. Tất cả đều có gắn vòng niêm phong cửa xe đàng hoàng nhưng khi cơ quan thú y kích hoạt thì không truy xuất được thông tin; hai xe vận chuyển heo mảnh không có vòng niêm phong. Trong đêm đầu tiên của đợt cao điểm kiểm tra nguồn gốc heo, chỉ có 3/16 xe đạt yêu cầu. Tuy nhiên, trường hợp vi phạm cũng chỉ mới dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở, đề nghị thực hiện đầy đủ việc đeo vòng… Và, heo vẫn nhập chợ (?!).
Trước đó, hồi đầu tháng 8, Sở Công Thương cũng đã kiểm tra việc đeo vòng, dán tem truy xuất… Kết quả, trong tổng số 8.400 con vào chợ đầu mối, chỉ có 3.351 con có thông tin (chiếm 35%), còn lại 65% hoàn toàn “rỗng”. Trong 35% này, vào đến cơ sở giết mổ, heo có nguồn gốc chỉ còn 21% với khoảng 2.000 con, 14% đã “bốc hơi” do không được giám sát và niêm phong xe – đại diện đoàn kiểm tra cho hay. Sau khi áp dụng nhiều biện pháp, chế tài, lượng heo về các chợ đầu mối đeo vòng có thông tin chững lại ở mức 31-36% tổng lượng heo vào TPHCM. Tuy vậy, ở chợ Bình Điền vẫn chỉ mới 25%, thậm chí có thời điểm 100% heo vào chợ này không có vòng nhận diện.
Đề án TXNG rau củ quả của Sở NN&PTNT TPHCM dù không “nóng” như heo, nhưng việc này cũng làm đau đầu nông dân khi họ phải “tự xử” từ khâu trồng trọt đến sơ chế, in tem, dán nhãn, kiểm tra… Thậm chí, có đơn vị còn phải in tới 4 loại tem TXNG tùy theo yêu cầu của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Toản – Phó giám đốc HTX Phú Lộc cho biết: “Mỗi ngày, HTX đưa ra thị trường từ 5 – 6 tấn rau có dán tem TXNG (16 chủng loại) cho các siêu thị của hệ thống Co.op Mart, Lotte, Aeon… và một số đơn vị khác. Trong đó, chúng tôi phải in cho Co.op một mã tem riêng, các siêu thị khác một mã riêng với số liệu, mẫu mã, màu sắc, kích thước đều khác nhau. Ngay cả thời hạn sử dụng trên tem cũng phải khác, có siêu thị yêu cầu hai ngày, có nơi đòi ba ngày nên rất tốn thời gian, công sức. Chưa hết, nông dân khi làm nhật ký ruộng đồng ghi trên một phần mềm, đến khi nhập vào dữ liệu truy xuất lại làm trên một phần mềm khác rất dễ sai sót”. Được biết, đề án này chỉ mới triển khai ở một số siêu thị. Còn các chợ truyền thống thì hầu như vắng bóng.
Truy xuất… cho có
Tại siêu thị Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh), chị Hoàng Thu Uyên (nhân viên văn phòng) lựa các bó rau có bao gói cẩn thận chất đầy xe đẩy. Hỏi có quan tâm đến tem nhãn TXNG không, chị lắc đầu: “Rau ở siêu thị đều được kiểm tra ngay từ đầu vào thì mình kiểm tra làm gì nữa cho mất thời gian. Chấp nhận mua rau ở đây với giá cao hơn bên ngoài, vì an tâm chất lượng. Chứ vào siêu thị mà còn kiểm tra thì thà mua ở chợ còn hơn”.
Bà Ngô Thị Thanh Nhàn (giáo viên về hưu, ngụ quận 3) loay hoay tìm cách truy nguồn gốc của miếng thịt heo vừa mua trong siêu thị, thở dài: “Mặc dù tận mắt mình thấy chân heo vẫn còn đeo vòng rành rành ra đó, tem nhãn cũng được dán đầy đủ, nhưng… kiểm tra hoài không ra. Hỏi nhân viên họ cũng không rành. Cuối cùng đành chịu. Thôi thì ăn bằng niềm tin chứ biết sao giờ”.
May mắn thấy được các dòng thông tin trên rau thịt từ con tem TXNG, thế nhưng anh Lê Văn Dũng (28 tuổi, nhân viên IT) vẫn không lấy gì hào hứng: “Cái mình cần là muốn biết là miếng thịt đó có nhiễm kháng sinh, có bị cho ăn chất cấm không; rau đã được phun những loại thuốc gì, đảm bảo thời gian cách ly không… Chứ còn ai trồng, ai nuôi, ai giết mổ tôi không quan tâm. Tiếc thay, cái mình cần thì vẫn chưa truy xuất được”.
BS Trần Văn Ký - phụ trách chuyên môn Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho rằng, cái vòng chỉ thể hiện đường đi của heo chứ không thể đảm bảo kiểm soát các mối nguy ở ngay khâu đầu tiên trong chăn nuôi. Dọc đường đi, do phải qua rất nhiều khâu trung gian nên cũng không thể kiểm soát tình trạng heo bơm nước, chích thuốc an thần… Đặc biệt ở chợ lẻ, thịt được bảo quản trong tủ mát, thịt “phơi” ngoài trời từ sáng tới chiều tối; tiểu thương chặt thịt bằng tay, bằng thớt thì khả năng nhiễm vi sinh, khuẩn E.coli vẫn rất cao.
Theo Uyên Phương/Tiền Phong