Tiềm ẩn bốn nguy cơ lớn lây nhiễm COVID-19 ở Việt Nam

Google News

Theo một số chuyên gia, ở Việt Nam hiện tiềm ẩn 4 nguy cơ lây nhiễm lớn, trong đó nguy cơ lớn nhất là đối tượng nhập cảnh hợp pháp nhưng không tuân thủ quy định cách ly, giám sát y tế.
 

Mùa đông khó kiểm soát dịch
Chiều 24/9, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế cho biết, ở trong nước, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, nhưng tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân trong phòng, chống dịch.
TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay, thời gian tới, Việt Nam có thể ghi nhận các trường hợp mắc mới từ các ổ dịch cũ hoặc lây nhiễm từ trường hợp nhập cảnh, đặc biệt khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Ban Chỉ đạo nhận định, dịch bệnh ở nhiều nước đã bùng phát trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát, cách ly xã hội. Các chuyên gia cũng cảnh báo, công tác phòng, chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi mùa đông sắp đến, điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus lây lan. Tâm lý trong xã hội lại bắt đầu xuất hiện sự chủ quan, lơ là sau 3 tuần Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới.
Theo một số chuyên gia, hiện nay, Việt Nam tiềm ẩn 4 nguy cơ lây nhiễm lớn, gồm đối tượng nhập cảnh bất hợp pháp; đối tượng nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc các biện pháp, quy định cách ly, giám sát y tế; nguồn bệnh lưu hành trong cộng đồng; một số mặt hàng nhập khẩu được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước có dịch bệnh. Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định, nguy cơ lây nhiễm lớn nhất là đối tượng nhập cảnh hợp pháp, nhưng không nghiêm túc tuân thủ các quy định về cách ly, giám sát y tế.
Tiem an bon nguy co lon lay nhiem COVID-19 o Viet Nam
Đo thân nhiệt cho du khách đến tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN 
Giám sát chặt chẽ
Ban Chỉ đạo đặc biệt nhấn mạnh công tác quản lý, giám sát đối tượng nhập cảnh hợp pháp, trong bối cảnh mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Bày tỏ quan ngại đối với nguy cơ từ đối tượng này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho rằng, các hướng dẫn đã có nhưng nhưng quy trình thực hiện còn lỏng lẻo. “Việc đón người từ sân bay về đến khách sạn, nơi cách ly thì ai làm gì, ai điều hành vẫn chưa rõ. Tôi cho rằng, lực lượng trực tiếp triển khai hoạt động cách ly không ai khác là nhân lực của chính cơ sở, cùng với y tế, công an dưới sự điều hành trực tiếp của chính quyền địa phương. Việc mở đường bay thương mại quốc tế chúng ta phải phân công trách nhiệm rất rõ ràng, đầy đủ”, ông Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cho rằng, vấn đề đang nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị quy trách nhiệm cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống dịch, không nói chung chung. Đơn cử, nếu để xảy ra dịch bệnh trong bệnh viện, cơ sở y tế thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm quản lý, cách ly, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch không chỉ đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài… mà cả những đoàn khách nước ngoài của các bộ, ngành Trung ương.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương phối hợp các nhà mạng tích hợp thêm tính năng cho ứng dụng khai báo y tế bắt buộc để người nhập cảnh phải cập nhật tình hình sức khỏe hằng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế. Bộ Y tế khuyến nghị người dân chỉ nên đến khám, chữa bệnh tại những bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn, thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch bệnh. Tương tự, Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ GD&ĐT phát động trong tất cả các trường học thực hiện định kỳ các đầu việc phòng, chống dịch, hiệu trưởng báo cáo hằng ngày, hằng tuần để đảm bảo trường học an toàn, lớp học an toàn, từ đó lan tỏa ra cộng đồng, trong công sở, khách sạn, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh… Qua đó góp phần nâng cao ý thức phòng, chống dịch của từng người dân. Bên cạnh đó, Bộ Y tế phải chỉ đạo các bệnh viện đẩy mạnh hoạt động đăng ký khám bệnh qua mạng cho người dân để các cơ sở y tế có sự chuẩn bị trước, trừ những trường hợp cấp cứu; rà soát, siết chặt lại việc thực hiện phân luồng trong bệnh viện; hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp xét nghiệm khi nghi nhiễm COVID-19…
Đà Nẵng trở lại trạng thái bình thường
Kể từ 0h hôm nay (25/9), toàn thành phố Đà Nẵng chuyển trạng thái kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Theo đó, tất cả các hoạt động tạm dừng để phòng, chống dịch COVID-19 được hoạt động trở lại bình thường, nhưng phải có cam kết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong từng lĩnh vực theo quy định. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K của Bộ Y tế: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế”. Trong đợt dịch thứ hai tính từ ngày 25/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 389 ca mắc COVID-19 trên địa bàn, trong đó có 31 trường hợp tử vong.
Theo Thái Hà/Tiền Phong