Anh và chị lấy nhau được nửa năm thì cùng nhau đón cái Tết đầu tiên. Lần đầu cả hai phải tự lo hết mọi thứ cho mái ấm của mình. Tính chị khá hời hợt, anh thì lại chưa có nhiều kinh nghiệm thế nên sau Tết cuộc sống của cả hai đã hóa thành ác mộng.
Năm ngoái, nhận được tiền lương và tiền thưởng thì cả hai tức tốc đi mua sắm. Nhìn thấy cái gì cũng mua, nào là bánh mứt, trái cây, hoa Tết, cho đến đèn trang trí, bia rượu, nước ngọt… ôi thôi đủ cả. Cứ nhớ Tết đến nhà ba mẹ có gì thì lại vồ mua thứ ấy.
Đến lúc về nhà ba mẹ chúc Tết thì ôi thôi, mọi thứ đã đủ đầy, mẹ trách mắng sao không biết giữ tiền lại phung phí mua những thứ đã có như thế. Ở nhà, ba mẹ đều đã mua bánh mứt từ cả tuần trước Tết nên giá cả cũng không bị “hét lên trời” như lúc chị đi mua. Tính ra một phần chị mua bằng ba phần mẹ đang có. Nghĩ tới chị đâm ra buồn bực vì bị đòi giá cao mà lúc ấy anh chị lại còn vui vẻ móc hầu bao ra trả.
|
Tính chị khá hời hợt, anh thì lại chưa có nhiều kinh nghiệm thế nên sau Tết cuộc sống của cả hai đã hóa thành ác mộng. (Ảnh minh họa) |
Chuyện không dừng ở đó khi anh và chị đi chúc Tết nhà sếp. Mọi năm anh chị cũng không lễ nghĩa nhiều, như thế nhưng năm ấy có sếp mới vừa về nhậm chức, nếu không “biếu kính” chút lòng thì lại ngại sang năm khó nhìn mặt. Lúc anh chị bước vào nhà thì sếp hớn hở chào đón rồi tiện tay chỉ cái bàn kế bên đang bày la liệt bia rượu. So với số đang có thì thương hiệu của anh chị dành tặng sếp cũng như muối bỏ biển. Ngẫm ra chẳng biết mình tặng chuyến này sếp có nhớ mặt không hay lại nhạt nhòa giữa đống rượu bia có giá trị cao ngất kia.
Năm ngoái cũng là lần đầu tiên về nhà chồng đón Tết, chị đầu tư khá nhiều vào quần áo. Thường ngày ở nhà mặc sao cũng được nhưng đến Tết lại có nhiều chị em chồng xung quanh nên cũng không muốn vợ chồng thua thiệt hoặc bị nhà chồng chê là không biết chăm lo cho chồng con. Thế là anh chị lại tốn khối tiền để sắm quần áo ngày cận Tết. Có điều thực tế không như anh chị mong đợi, dù mua cả đống đồ Tết nhưng anh chị lại chẳng mặc hết. Lại còn vì mua cuối năm mà quần áo cũng chẳng còn gì tốt để lựa chọn. Đến lúc mua về mặc vào lại thấy bất tiện hoặc không phù hợp.
Chưa kể thêm Tết năm đó, anh chị còn mất kha khá tiền cho việc lì xì. Từ ông bà nội ngoại, cha mẹ cho đến con cháu đều phải lì xì. Tự dưng nhìn túi tiền vơi hơn nửa mà lòng chị đau thắt. Chẳng hiểu sao Tết đến lại tốn kém nhiều như thế. Chưa hết Tết mà túi tiền đã xẹp đến khốn khổ.
Nói đến việc tiêu tiền ngày Tết, anh chị cũng không quên quyết định dại dột hồi năm ngoái. Vì thường ngày ăn uống bình dị nên Tết đến lại cho mình cái quyền được hưởng thụ. Tiệc tùng họp mặt ở nhà vừa xong, anh lại nổi hứng kéo cả nhà ra nhà hàng ăn vài món lạ miệng.
Nói là vài món nhưng đi cả nhà lại thành ra một bàn tiệc lớn. Người gọi món này, người kêu món nọ. Đến lúc đứng lên tính tiền, mặt mày anh chị xanh mét không còn giọt máu. Mấy ngày sau đó, cả hai cứ ru rú trong nhà, ai rủ đi đâu cũng không dám đi. Đến tận lúc quay lại làm việc, anh chị còn phải muối mặt vay ba mẹ ít tiền đợi đến lương cuối tháng.
Tết là dịp để vui vẻ, nghỉ ngơi và sum họp gia đình, đó không phải là dịp để chúng ta tiêu pha lãng phí và trở nên “nghèo khổ” sau khi hết Tết. Sau năm đầu tiên vô cùng khốn đốn, anh chị đã biết cách lên kế hoạch cho năm mới của mình để Tết xong cũng còn tiền tiêu mà không phải vay mượn hay sống kham khổ.
Nhìn tờ danh sách và kế hoạch đón năm mới mà chị cười híp cả mắt: “Năm nay anh an tâm là vợ chồng mình còn có dư tiền sau Tết để mua vài món ngon nữa đấy”. Anh nhìn chị cười hiền hiền, dù rằng chị có chút hời hợt nhưng sau chuyện năm ngoái thì anh tin rằng chị đã biết cách làm chủ chi tiêu để Tết năm nay cũng không để cả hai phải khổ sở nữa.
Theo Lam Nguyên/Eva.vn