Hồng Vy (27 tuổi, quận 12, TP.HCM) hiếm khi từ chối lời gợi ý mua sắm từ bạn bè. Cô chi tiền triệu cho những món quần áo, phụ kiện mỗi tuần, lo sợ không theo kịp xu hướng thời trang.
Lương chưa về, tiền cạn ví, Hồng Vy sử dụng thẻ tín dụng để mua trước, trả sau.
"Tiền kiếm lúc nào cũng được, nhưng đồ sold out (bán hết) thì không thể mua lại", cô nói với Zing.
Từ chối tiết kiệm
Theo Hồng Vy, cô không mấy bi quan khi không có tiền tiết kiệm. Đối với cô, giá nhà đất, căn hộ đều quá cao so với thu nhập cá nhân. Trong khi đó, ôtô hay chiếc xe máy cao cấp cũng nằm ngoài khả năng chi trả.
Cô khẳng định mình khó "thắt lưng buộc bụng" hàng chục năm nhằm sở hữu tài sản lớn. Thay vào đó, cô quyết định tận hưởng cuộc sống khi còn trẻ.
"Tôi đánh giá việc đầu tư cho bản thân ở hiện tại là hợp lý. Nếu không có sự trợ giúp, hậu thuẫn lớn từ gia đình, người trẻ làm công ăn lương như tôi khó lòng mua nhà như ý muốn", cô cho hay.
Hồng Vy tiêu hết hạn mức thẻ tín dụng. Cô cho biết hiếm khi từ chối lời gợi ý mua sắm từ bạn bè. Ảnh: NVCC.
Tương tự Hồng Vy, Duy Long (25 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng không còn muốn đặt kế hoạch tiết kiệm.
"Đối với tôi, mua nhà là ước mơ rất xa vời, 10-20 năm nữa chưa chắc đạt được", đó là câu trả lời của anh khi ai đó đề cập về chuyện sở hữu bất động sản trong tương lai.
Đi làm khi chưa tốt nghiệp đại học, nhưng 2 năm qua, Duy Long không có một đồng tiết kiệm. Anh cho biết hầu hết thu nhập đều dành cho niềm đam mê công nghệ.
"Có tháng, tôi mua bàn phím 16 triệu đồng. Tháng sau, tôi 'tậu' iPad 18 triệu đồng và chi thêm hàng chục triệu đồng nâng cấp dàn máy tính tại nhà", anh kể, thừa nhận những thiết bị này không thật sự cần thiết để làm việc hay học tập.
Cũng như Hồng Vy, Duy Long thường mua sắm qua thẻ tín dụng hoặc trả góp.
"Thẻ tín dụng của tôi có hạn mức 66 triệu đồng. Tôi còn mở thêm tài khoản tín dụng hạn mức 9 triệu đồng trên ví điện tử để đề phòng trường hợp quên thẻ.
Cuối tháng, tôi dành hầu hết thu nhập để thanh toán khoản chi tiêu tín dụng của tháng trước đó, đôi khi còn phải nợ lại một ít", anh nói.
Tuy nhiên, khi được hỏi có cảm thấy áp lực về cách tiêu dùng hiện tại, Duy Long cho biết mình không có ý định thay đổi. Anh hài lòng khi có thể đáp ứng sở thích, nhu cầu cá nhân ở hiện tại mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của gia đình.
Duy Long chi trả nhiều tiền cho sở thích mua sắm đồ công nghệ và ăn uống cùng bạn bè. Ảnh: NVCC.
"Tôi chưa gặp sự cố nào với kiểu chi tiêu này. Tôi quan niệm mỗi người chỉ sống một lần trên đời, sống quá tiết kiệm sẽ rất mệt mỏi", anh nhận định.
Linh Nga (26 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm nêu trên. Cô dành một nửa tiền lương mỗi tháng cho việc đi du lịch và không hề hối hận với lựa chọn này.
Cô thừa nhận có thời điểm không có tiền nhưng vẫn tìm cách xoay xở để tham gia cuộc vui cùng bạn bè.
"Đôi khi, thiếu hụt tiền sinh hoạt, tôi xin thêm cha mẹ hoặc chi trả qua thẻ tín dụng", cô tâm sự.
Một số lần gia đình nhắc nhở phải tiết kiệm, nhân viên văn phòng này giữ vững quan điểm phải khám phá và trải nghiệm khi còn trẻ.
"Sau này, khi có gia đình hoặc lớn tuổi, tôi có tiền cũng không đi đâu được. Tôi không muốn phí hoài tuổi trẻ", cô khẳng định.
Người trẻ toàn cầu tăng tiêu dùng, giảm tích lũy
Tiêu dùng là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, giới trẻ nhiều nước đang "phóng tay" quá lạc quan do tâm lý FOMO, làm một tiêu mười, theo Reuters.
Tại Hàn Quốc, thế hệ MZ (Millennials và Z) đang gác lại nhiều dự định tương lai để chiều chuộng bản thân ở hiện tại.
Họ thoải mái mua sắm, giải trí, du lịch và chạy theo sở thích cá nhân, đánh giá việc tiêu tiền là một trong những cách giải tỏa căng thẳng tốt nhất.
Sau những tấm ảnh xa xỉ đăng mạng xã hội, nhiều người trẻ xứ kim chi lâm vào cảnh nợ nần. Nhiều người trong số đó chi tiền cho các món đồ hiệu, những chuyến du lịch sang trọng và đồ ăn ở nhà hàng 5 sao chỉ để tạo cảm giác giàu có.
Nhu cầu giải trí, tiêu dùng của người dân tăng nhanh sau đại dịch. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
Xu hướng người trẻ tuổi chi tiêu mạnh tay còn len lỏi ở nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản.
Theo báo cáo chi tiêu của Trung Quốc, Gen Z tiêu thụ khoảng 15% tổng số hàng hóa xa xỉ ở nước này, trong khi mức trung bình trên toàn thế giới là 10%. Đặc biệt, các khoản chi tiêu của họ cũng chiếm 13% tổng thu nhập hộ gia đình, nhiều hơn gấp 3 lần so với ở Mỹ và Anh, theo SCMP.
Trong khi đó, tại Mỹ, theo báo cáo của Credit Karma, gần 40% người trẻ cho biết tiêu nhiều tiền hơn cho những trải nghiệm thay vì nhu cầu cần thiết của bản thân như thanh toán hóa đơn. Một phần vì họ muốn chia sẻ điều đó trên mạng xã hội.
Phần lớn nhóm trẻ tuổi này nói rằng các nền tảng như Instagram và TikTok có ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng tài chính của họ, nhưng nỗi sợ bỏ lỡ, hay còn gọi là FOMO (Fear Of Missing Out), lại tác động lớn hơn.
Tiết kiệm để làm gì?
Trao đổi với Zing, ông Đoàn Đức Minh, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, Phó Viện trưởng Quản trị và Tài chính IFA, cho biết có 2 lối sống phổ biến ở người trẻ là YOLO (Bạn chỉ sống một lần) và FIRE (Tự do tài chính, nghỉ hưu sớm). Mỗi xu hướng đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Không thể nói YOLO là cách sống hoàn toàn tiêu cực.
Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, con người đều cần ngân sách để chi cho các khoản lớn như mua nhà, mua xe.
Ngoài ra, họ còn có nhiều mục đich khác gồm học tập, kết hôn, sinh con, phụng dưỡng cha mẹ, nghỉ hưu,...
Vì vậy, việc tích lũy từ sớm sẽ giúp họ làm được những điều xảy đến. Bằng cách đặt tỷ lệ tiết kiệm và đều đặn dành dụm, những khoản tiền nhỏ đều có thể "tích tiểu thành đại".
Theo Mỹ Trinh/Giadinh.net