Chúng tôi chia tay nhau, hay nói đúng hơn là tôi đã bỏ Mai sau gần 3 năm yêu nhau.
Chuyện đã 5 tháng rồi nhưng thỉnh thoảng Mai lại gọi điện nhắn tin nói những lời thương nhớ khiến tôi không ít lần dao động. Nhưng rồi nghĩ tới chuyện chứng kiến Mai ngồi sau xe hết người đàn ông này đến người đàn ông khác, cảm giác bực bội, chán chường dâng lên ngang cổ.
"Sao em cứ để hết người này tới người nọ chở hoài vậy. Vậy em coi anh là cái gì?".
"Anh là người yêu của em còn họ chỉ là bạn bè. Em có việc nên nhờ họ chở đi công chuyện thôi chứ có gì đâu. Tình bạn trong sáng mà".
"Tình bạn trong sáng" tôi căm ghét 4 cái từ đó kinh khủng. Làm sao có cái gọi là "tình bạn trong sáng" giữa hai người khác phái khi cứ lửa gần rơm như vậy. Mỗi khi tôi càu nhàu chuyện đó Mai lại khóc, trách tôi ghen tuông vớ vẩn.
Mai có xe máy nhưng lười chạy rồi cho luôn thằng em, đi làm toàn bằng xe đạp vì nhà cách chỗ làm có 1 cây số. Vậy nên mỗi lần có việc cần đi xa cô ấy đều phải nhờ người chở. Tôi bận nên không phải lúc nào cũng có thời gian làm "xe ôm" 24/24 và đôi khi phải chấp nhận chuyện "anh không rảnh thì em nhờ người khác nha".
Điều lạ là người khác đó toàn là đàn ông, không phải 1 mà đến 3, 4 người.
"Công chuyện" của cô ấy thì muôn kiểu, nào là đi siêu thị, đi mua đồ, đi sinh nhật, đi đám cưới, đi khám bệnh…
Rất nhiều lần đã hẹn với tôi nhưng Mai vẫn "đi công chuyện" để tôi tới nhà ngồi chờ cả tiếng đồng hồ, sau đó về trên yên xe người khác, cười nói vô tư như chẳng có chuyện gì xảy ra. Mỗi lần như vậy tôi lại tự hỏi không biết có phải mình chỉ là 1 trong những gã đàn ông trong bộ sưu tập "tình bạn trong sáng" của Mai hay không.
|
Ảnh minh họa. |
Mai đẹp, nét đẹp mềm mại và nhu mì mà đàn ông rất yêu chuộng. Bông hoa đẹp thì ong bướm vây quanh, đó cũng là chuyện đương nhiên. Nhưng nếu hoa đã có chủ thì sao còn tỏa hương để mời gọi ong bướm làm gì. Tôi không dám trách Mai lẳng lơ vì đâu có chứng cứ gì ngoài chuyện ngồi sau yên xe đàn ông. Nhưng thi thoảng đến đầu ngõ đón Mai, nghe mấy bà ngồi lê đôi mách xì xào: "Con nhỏ đó không biết làm nghề gì mà hết thằng này tới thằng nọ chở, có khi về khuya hoắc".
Đem chuyện đó ra nói với Mai thì cô cười phớt tỉnh ăng-lê, bảo nghe chi mấy bà nhiều chuyện, yêu nhau thì phải tin nhau chứ.
Vì yêu có thể tôi tin Mai nhưng tôi không tin những gã "bạn trong sáng" của cô ấy. Tôi hỏi Mai "sao mỗi khi có việc em không nhờ thằng em hay nhờ bạn là nữ mà toàn là đàn ông". "Thằng em nó làm biếng lắm còn tụi bạn thì đâu có rảnh". Vậy hóa ra "mấy anh đó" rảnh. Tôi không tin cái sự rảnh này.
Chẳng ai rảnh hơi tới mức chỉ cần gọi là có mặt để "chở đi công chuyện" nếu không có tình ý riêng tư, nếu không được người phụ nữ đẩy đưa gieo hy vọng. Mai luôn miệng khẳng định chẳng có tình ý gì với họ và cũng chẳng gieo hy vọng gì, còn chuyện họ có tình cảm với cô hay không thì không biết.
Nhưng tôi biết họ chẳng trong sáng như Mai nói và tôi chắc Mai cũng chẳng vô tư. Không ai cho không cái gì cả và tôi chắc Mai phải "có qua có lại" với những người đàn ông suốt ngày chở công "đi công chuyện" đó.
"Nếu em không có tình ý gì với họ thì không nên nhờ vả họ nhiều như vậy. Đó cũng là một kiểu lợi dụng", tôi nói với Mai và yêu cầu cô rõ ràng trong chuyện tình cảm, nếu yêu tôi thì dứt khoát với những "tình bạn trong sáng kia", chứ tôi không chấp nhận cái kiểu đong đưa qua lại như vậy.
"Em nhờ anh đâu phải lúc nào anh cũng rảnh nên em phải nhờ người khác. Người ta giúp giùm anh không cám ơn thì thôi. Nếu anh lo như vậy thì từ nay cứ em gọi anh phải có mặt, còn không thì em phải nhờ người khác".
Vậy là xong. Nghe những lời Mai nói tôi thấy hụt hẫng vô cùng. Yêu nhau 3 năm, tôi từng mê mệt vì cái vẻ nhu mì, yếu đuối của cô. Ở bên cạnh Mai tôi luôn thấy mình mạnh mẽ bởi cô như một con mèo bé bỏng cần được chở che, nâng niu. Nhưng giờ đây, tôi thấy mệt mỏi vì kiểu phụ nữ luôn tự nhận mình yếu đuối và vô tư yêu cầu sự giúp đỡ của đàn ông như một đặc quyền.
Kiểu phụ nữ như Mai lúc nào cũng có đàn ông vây quanh. Tôi từng là 1 trong số đó và cứ tưởng mình là số 1. Nhưng giờ tôi hiểu chẳng có ai là số 1 cả, Mai chẳng yêu ai ngoài bản thân mình.
Theo Thanh Huy/Người Lao Động