Tôi phải làm sao khi mẹ chồng quá mê tín

Google News

Nghĩ giờ má cũng đã có tuổi, việc chìm đắm trong cõi nhang khói hầu đồng cũng là cách để má tránh xa những bụi trần ngoài kia nên chồng tôi không thể lên tiếng.

Từ hồi tìm hiểu Long, chồng tôi bây giờ, tôi đã biết má chồng chồng đồng bóng, mê tín thái quá. Tuy nhiên với suy nghĩ mỗi người có một quan điểm sống và trường tâm linh khác nhau nên tôi cố gắng thông cảm. Nhưng về làm dâu nhà anh và sống cùng người má chồng như vậy, tôi thấy mệt mỏi và bí bách vô cùng.
Má chồng đi hầu đồng quanh năm. Bao nhiêu vốn liếng tích cóp trong gia đình đều "trôi tuồn tuột" trong những lần má đi lễ lạt như thế. Phận dâu con nên tôi không dám lên tiếng. Hơn nữa tuy sống chung dưới một mái nhà nhưng vợ chồng tôi độc lập kinh tế với má. Tiền của má có từ thời ông bà, má cũng không hề phải lệ thuộc kinh tế vào con cái nên vợ chồng tôi đành bấm bụng để má vui theo cách của bà.
Toi phai lam sao khi me chong qua me tin
Ảnh minh họa. 
Tầng ba của ngôi nhà chúng tôi sống chung cùng má, từ trước khi tôi về ở cùng, má đã thiết lập thế giới riêng và dùng làm điện để cúng. Quanh năm, nhất là ngày rằm ngày lễ, tiếng tụng kinh niệm Phật gõ mõ và mùi nhang khói khắp nơi. Từ khi con trai bắt đầu đến tuổi biết đi biết chạy và thích khám phá thế giới xung quanh, tôi càng phải để tâm canh chừng để bé không xâm phạm vào cõi tâm linh của bà nội.
Nghĩ giờ má cũng đã có tuổi, việc chìm đắm trong cõi nhang khói hầu đồng cũng là cách để má tránh xa những bụi trần ngoài kia nên chồng tôi không thể lên tiếng. Tuy nhiên, mỗi năm từ dịp rằm tháng Giêng đến hết tháng Một, má thuê thầy cúng về ăn ở tại tư gia và lễ lạt khiến tôi rất mệt mỏi.
Ba năm cũng vẫn là ông thầy cúng ấy đến ăn ở tại tư gia nên tôi đã quen mặt. Tiếng là thầy cúng nhưng nhiều khi tôi tưởng đó là cô đồng, vì giọng nói mai mái và cung cách ăn vận "một cây" màu đỏ chói lòa từ đầu đến chân. Mỗi lần thầy có mặt tại tư gia, nhất cử nhất động của các thành viên trong gia đình đều phải dè dặt và cẩn trọng vô cùng.
Khổ nhất lá con trai ba tuổi hiểu động của chúng tôi. Thậm chí có năm quá căng, tôi phải bàn với chồng đem con về nhà ngoại "lánh nạn" để gửi bà trông hộ. Đến khi thầy cúng rút đi, chúng tôi mới dám đem cháu trở về.
Rằm tháng Giêng năm ngoái, theo "lệnh" của thầy, gia chủ chúng tôi phải lo lễ cúng mặn. Tục lệ "bốn bát sáu đĩa" tôi và mẹ chồng phải lo lắng chu toàn đầy đủ lệ bộ. Bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc không thể thiếu trong bữa cỗ cúng rằm tháng Giêng. 6 đĩa bao gồm thịt gà, giò chả, xôi, bánh chưng, nem thính và một đĩa xào nữa, phận tôi làm dâu phải lo lắng chu toàn.
Nếu sơ suất trong một khâu nào đấy, thầy lệnh phải bổ sung khiến tôi chạy đôn chạy đáo chợ búa vài lần rất khổ sở. Có lần tôi bàn với má làm giản lược đi, miễn cái tâm là chính. Thầy và má nghe thế liền mắng tôi không thành tâm, nếu không thay đổi thì sẽ không có phước báo thời con cháu khiến tôi vừa tức vừa sợ.
Năm nay từ 14 Âm lịch tháng Giêng thầy đã có mặt. Thầy lệnh năm nay cúng cỗ chay chứ không làm mặn nữa khiến tôi mừng húm. Bản thân cứ tưởng lễ cúng chay chắc sẽ đơn giản hơn so với cúng mặn năm ngoái rất nhiều. Ai dè thầy phán năm nay gia chủ chuẩn bị lễ cúng chay với 25 món, với đầy đủ màu sắc trong mâm cỗ tượng trưng cho ngũ hành. Hoa quả cúng tôi cũng phải chuẩn bị chu toàn cách đó vài ngày.
Ra giêng hoa đắt, tôi tìm mua mãi mới được bó hồng ưng ý nhưng thầy chê ít lộc, bắt tôi đi tìm mua cành hồng mới có nhiều nụ và lộc tỏa ra khắp nơi. Tuy ấm ức vô cùng nhưng sợ mẹ chồng giận nên tôi ráng hoàn thành tâm nguyện.
Nhà tôi lại rộn rã tiếng chuông, tiếng cầu kinh, gõ mõ, mùi hương khói ngạt thở. Nếu khách lạ có khi ngỡ đi lạc vào ngôi đền, chùa nào.
Mới qua được hai ngày mà thôi mệt mỏi quá. Tôi không biết làm thế nào để góp ý với cho mẹ chồng chuyển. Mà tôi xin ra ở riêng cũng không được.
Tôi chỉ sợ đến lúc nào đó sự kiên nhẫn của tôi vượt quá giới hạn. Tôi phải làm sao cho trọn vẹn đôi đường, xin bạn đọc hãy cho tôi lời khuyên thấu đáo.
Theo Linh Chi/Dân Việt