Chiều 26.7, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) cho hay trong những ngày qua, bệnh viện nay liên tục tiếp nhận các trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết nặng.
“Phần lớn các trường hợp này đều dưới 12 tháng tuổi bị mắc sốt xuất huyết trong tình trạng sốc và bị tổn thương gan”, BS Tiến nói.
|
Các trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố (TP.HCM) - Ảnh: BVCC
|
Trong các trường hợp trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết nặng có 4 trẻ nguy kịch gồm: bé gái D.B.N. (8 tháng tuổi, quê Đồng Tháp); bé trai H.G.B. (11 tháng tuổi, quê Tiền Giang) và 2 bé gái P.L.M.(9 tháng tuổi), N.T.H. (7 tháng tuổi, cùng ngụ ở Long An).
Trong đó, nặng nhất là bé gái D.B.N. nhập viện trong tình trạng sốc da nổi bông. Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bị sốt cao liên tục 3 ngày, ho sổ mũi. Đến ngày thứ 4 bé bớt sốt, nhưng ói 3 lần ra dịch lợn cợn nâu, bụng chướng, nổi chấm xuất huyết trên da, người nhà đưa bệnh nhi đến bệnh viện địa phương.
Tại đây, các bác sĩ ghi nhận trẻ lừ đừ, quấy khóc, mạch quay nhẹ, chi mát, huyết áp kẹp 80/60mmHg, nổi chấm xuất huyết ở chân tay, bụng. Kết quả các xét nghiệm cho thấy test nhanh NS1 kháng nguyên dương tính, dung tích hồng cầu giảm còn 25% (bình thường chỉ 28-35%) tiểu cầu 23000/mm3 (bình thường 200000-300000/mm3), men gan tăng cao > 6000 đv/L (bình thường AST/ALT < 40="">
Ngay lập tức, bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng và được điều trị chống sốc tích cực với dung dịch điện giải. Sau đó bệnh nhi chuyển sang dung dịch cao phân tử, truyền máu và chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, được tiếp tục điều trị chống sốc, truyền máu, điều trị hỗ trợ gan.
Tình trạng huyết động, tổn thương gan trẻ cải thiện, nhưng đến ngày thứ 7 - 8 trẻ sốt trở lại, xét nghiệm máu cho thấy trẻ biểu hiện giảm 3 dòng tế bào máu, tăng triglyceride, ferritin... là biểu hiện của hội chứng thực bào máu sau sốt xuất huyết, trẻ được hội chẩn chuyên khoa huyết học điều trị tiếp và hồi phục sau gần 3 tuần điều trị.
Trước tình trạng xuất hiện nhiều trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết nặng, bác sĩ Tiến lưu ý các phụ huynh sốt xuất huyết có thể tấn công trẻ nhũ nhi nhưng trẻ có thể biểu hiện không điển hình như sốt nhẹ vừa, không liên tục lại kèm ho sổ mũi hắt hơi, hay tiêu chảy, nôn ói… lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng…
“Khi trẻ sơ sinh có các triệu chứng trên, người nhà cần đưa ngay đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để thăm khám xét nghiệm định bệnh chính xác nhằm điều trị thích hợp cho trẻ”, BS Tiến khuyến cáo.
Theo Sở Y tế TP. CM, trong những ngày gần đây, thông qua ứng dụng “y tế trực tuyến”, mỗi ngày đơn vị này đều nhận phản ánh của người dân về các điểm có nguy cơ sốt xuất huyết. Chỉ tính từ 6 giờ ngày 25/7 đến 6 giờ ngày 26.7, thông qua phản ánh của người dân đã ghi nhận 4 địa điểm có nguy cơ gây sốt xuất huyết, gồm: khu đất trống cạnh nhà 33/52/13 Gò Dầu, phường Tân Quý, quận Tân Phú (sau lưng trường Mẫu giáo Vàng Anh); số 532/15/12 Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú; số 9/14 Trần Văn Cẩn, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú và số 102 Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình (Nhà máy dầu Tường An).
Theo Hồ Quang/Một thế giới