Chiều 9/12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.
Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, cho biết tính đến 18 giờ ngày 8/12, có 482.544 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 481.964 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 580 trường hợp nhập cảnh.
Quan sát kỹ bốn giai đoạn khi học trực tiếp
Liên quan đến tình hình học sinh khối 9 và khối 12 sẽ đi học trực tiếp trở lại từ ngày 13/12, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết được sự đồng ý của UBND TP, bên cạnh phương án dạy học trên Internet, ngành giáo dục bổ sung việc học trực tiếp để khắc phục những hạn chế do học qua Internet.
Hai hình thức học này bổ sung cho nhau và tỉ lệ này có thể biến đổi tùy theo tình hình dịch bệnh xảy ra ở từng cơ sở giáo dục, địa bàn nơi trường đóng và học sinh của từng lớp trong nhà trường.
Theo ông Tân, để chuẩn bị tốt cho việc học sinh đến trường, các cấp ngành, đặc biệt là cha mẹ học sinh cùng ngành giáo dục làm việc đầu tiên là quan sát tất cả đối tượng tham gia quá trình giáo dục. Vì quá trình học trực tiếp của các em có bốn giai đoạn: Giai đoạn ở nhà, từ nhà đến trường, học ở trên trường và từ trường về nhà. Việc bảo vệ để các em học an toàn phải quan sát tất cả đối tượng tham gia và quan sát kỹ quá trình.
Ngành giáo dục và đặc biệt là các trường trung học phải nghiên cứu kỹ để đưa ra những khuyến cáo, những hướng dẫn, quy định và đặc biệt đợt tập huấn của ngành giáo dục để giúp các trường xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo đi học an toàn.
“Tôi cũng mong rằng với chủ trương này, quyền lợi học trực tiếp của học sinh sẽ được thực hiện một cách tốt nhất” - ông Lê Duy Tân nói.
Theo thống kê, trên địa bàn TP.HCM có 265 trường THCS với hơn 83.000 học sinh lớp 9, cấp THPT có 202 trường với trên 66.000 học sinh lớp 12. Qua lấy phiếu khảo sát có khoảng 80% phụ huynh ở cấp học trên đồng thuận cho con em đến trường học trực tiếp. “Như vậy, chúng ta thấy được sự thông cảm, chia sẻ và thống nhất trong phối hợp để tổ chức cho học sinh đi học khá tốt. Tỉ lệ phụ huynh đồng thuận bao gồm cả những em chưa đủ điều kiện đi học vì lý do dịch bệnh còn kẹt ở địa phương khác” - ông Tân lý giải.
Ông Tân cho biết sau khi học sinh đến trường học trực tiếp, được ôn luyện những phần còn khiếm khuyết khi học trên Internet thì các em mới làm bài kiểm tra học kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường. Như vậy, vẫn còn một số học sinh gặp khó khăn, chưa tham gia học trực tiếp được thì sẽ được lùi lại, chưa phải làm bài kiểm tra đánh giá học kỳ.
Ông Tân tin tưởng sự phối hợp với ngành y tế, chỉ đạo của UBND TP, ý thức tuân thủ của học sinh khối 9, khối 12, đặc biệt các tổ nhóm tự quản trong trường học sẽ bảo ban nhau tuân thủ các quy định phòng dịch.
Hôm nay, TP.HCM sẽ bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 bổ sung và nhắc lại cho người dân. Ảnh: HOÀNG GIANG
TP.HCM đang điều trị cho 13.177 bệnh nhân, trong đó có 473 trẻ em dưới 16 tuổi, 472 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 8-12, có 1.217 bệnh nhân nhập viện, 1.167 bệnh nhân xuất viện, 76 ca tử vong trong ngày. Tổng số ca tử vong cộng dồn từ ngày 1-1-2021 đến nay là 18.706 ca.
Khuyến khích người trẻ khỏe không dùng thuốc Molnupiravir
Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP đang sử dụng nhiều thuốc hỗ trợ và điều trị COVID-19 Đông Tây y kết hợp. Hiện Bộ Y tế đã cấp cho TP hơn 25.000 liều Molnupiravir và 2.300 liều Favipiravir, 2.200 liều xuyên tâm liên (loại kháng sinh thực vật hỗ trợ điều trị COVID-19), 30.000 liều Kovir...
Theo bà Mai, do nguồn thuốc C (thuốc Molnupiravir) hạn chế nên gói thuốc C đang được ưu tiên cho nhóm có triệu chứng nhẹ thuộc nhóm nguy cơ trở nặng. Nếu đối tượng nguy cơ tầm soát có test nhanh dương tính thì ngay lập tức trạm y tế phường sẽ có gói thuốc C là khuốc kháng virus và gói thuốc A hoặc gói thuốc B gửi đến tận nhà các đối tượng này. Gói thuốc B uống theo chỉ định.
Theo bà Mai, thuốc kháng virus phải sử dụng đúng đối tượng, còn những đối tượng trẻ khỏe không có triệu chứng, đã tiêm chủng hai mũi thì không thuộc chỉ định để cho loại thuốc này. Những người này có thể sử dụng các sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Bà Mai khuyến cáo sử dụng thuốc không đúng sẽ dễ dẫn đến kháng kháng sinh, nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. “Đây là việc phải cân nhắc và tuyên truyền, không phải test nhanh xong là yêu cầu trạm y tế phải đem thuốc C cho uống, vì đây là những đối tượng chưa đủ điều kiện và đúng chỉ định” - bà Mai nói.
Về tình hình thuốc kháng virus Molnupiravir rao bán tràn lan, bà Mai khẳng định hành vi rao bán và người mua cũng như người bán đều vi phạm pháp luật. Qua các đoàn thanh tra, kiểm tra, chưa phát hiện nhân viên của trạm y tế lưu động rao bán các loại thuốc đang thử nghiệm lâm sàng. Hiện Sở Y tế vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra sự việc rao bán thuốc.
Ngày 10/12, bắt đầu tiêm vaccine mũi 3 bổ sung và nhắc lại
Liên quan đến việc triển khai tiêm vaccine mũi 3 cho người dân, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết cần làm rõ liều tiêm vaccine bổ sung và tiêm nhắc lại.
Tiêm bổ sung vaccine được thực hiện cho những đối tượng bị suy giảm miễn dịch và trên 50 tuổi đã được tiêm hai mũi trước đó nhưng chưa đạt miễn dịch. Mũi tiêm bổ sung được tiêm sau 28 ngày của mũi tiêm cuối cùng. Còn việc tiêm nhắc lại thực hiện cho người đã tiêm mũi 2 cách đây sáu tháng.
Hôm nay (10/12), TP bắt đầu tiêm mũi 3 bổ sung và nhắc lại. Theo ông Tâm, việc lập danh sách tiêm mũi 3 bổ sung và nhắc lại lần này sẽ làm chặt chẽ hơn trước, tránh việc tiêm rồi nhưng chưa được cập nhật đầy đủ thông tin.
Theo quy trình, Sở Y tế lên danh sách các đối tượng cần tiêm mũi bổ sung và nhắc lại, công an cùng chính quyền xác minh thông tin của người dân và gửi danh sách ra điểm tiêm. Điểm tiêm đối chiếu thông tin, tổ chức tiêm cho người dân, lưu trữ dữ liệu và cập nhật lên hệ thống, người dân tiêm xong sẽ có thông tin liền.
Theo Hoàng Lan/PLO