TP.HCM: Đã có 29 ca nhiễm Zika

Google News

Chiều 6/11, HĐND TP.HCM đã làm việc cùng UBND TP.HCM và các sở ban ngành về công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika tại TPHCM.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 6/11, TP.HCM đã có 29 ca bệnh dương tính với virus Zika.
Các ca bệnh xuất hiện tại 19 phường của 11 quận, huyện gồm Quận 2 (3 trường hợp ở các phường An Phú và Thạnh Mỹ Lợi); Quận 4 (2 trường hợp ở phường 2 và phường 9); Quận 5 (2 trường hợp ở phường 3 và phường 8)
Quận 9 (4 trường hợp ở các phường Phước Long A và Phước Long B); Quận 10 (1 trường hợp tại phường 12); Quận 12 (4 trường hợp ở phường Hiệp Thành); Bình Thạnh (4 trường hợp tại phường 17 và phường 24);
Tân Phú (3 trường hợp ở các phường Hòa Thạnh và Tân Thới Hòa); Bình Tân (2 trường hợp ở các phường Bình Trị Đông và Bình Hưng Hòa A); huyện Hóc Môn (3 trường hợp ở các xã Đông Thạnh và Bà Điểm); huyện Cần Giờ (1 trường hợp ở xã Bình Khánh).
Trong tuần vừa qua, thành phố đã thực hiện xét nghiệm 47 mẫu và phát hiện 8 trường hợp dương tính với virus Zika (tỷ lệ số ca dương tính là 17% so với số mẫu xét nghiệm). Con số này của tuần kế trước là 16 ca dương tính/60 mẫu xét nghiệm (tỷ lệ 27%).
Hiện còn 68 mẫu đang chờ kết quả. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM Nguyễn Trí Dũng, tới thời điểm hiện tại chưa có dấu hiệu phát hiện thêm các ca bệnh mới.
TP.HCM: Da co 29 ca nhiem Zika
 TP.HCM đã có 29 ca bệnh dương tính với virus Zika.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, để phòng chống dịch bệnh do virus Zika tại TP.HCM, thành phố đã ứng dụng hệ thống GIS (hệ thống thông tin địa lý) để khoan vùng, kiểm soát dịch bệnh; đồng thời thực hiện truyền thông tại nhà tới các hộ dân.
Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, khi có ca bệnh nghi ngờ, không chờ kết quả xét nghiệm, ngành y tế sẽ phun hóa chất, làm sạch mỗi trưởng; với những nơi xuất hiện ca bệnh thực hiện phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng toàn phường từ 2 đến 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.
Ngành y tế thành phố vừa đồng loạt tổ chức diệt lăng quăng tại 11 quận, huyện có ca bệnh do virus Zika; đồng thời triển khai phun hóa chất trên diện rộng trong tháng 11 và tháng 12 trên toàn thành phố nhằm khống chế bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.
Cùng với đó, Sở Y tế đã phối hợp Sở Tài nguyên – Môi trường, Thành đoàn TP.HCM triển khai chiến dịch về sinh môi trường toàn thành vào các ngày nghỉ cuối tuần.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho biết, trước diễn biến của bệnh do virus Zika, thành phố vừa ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika, vừa thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh do virus Zika với sự tham gia của lãnh đạo các quận, huyện và yêu cầu các quận, huyện phải báo cáo thông tin tình hình bệnh do virus Zika về Sở Y tế và Sở Y tế báo về UBND TP hàng ngày.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho rằng, các ca nhiễm Zika vẫn đang trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, do thành phố đang trong quá trình đô thị hóa và có mật độ dân số cao nên công tác phòng chống dịch sẽ gặp những khó khăn.
Về hạn chế trong công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu thẳng thắn nhìn nhận, hầu hết các quận, huyện chủ yếu triển khai phòng chống dịch bệnh bằng văn bản nhưng việc thực hiện công tác kiểm tra xuống phường chưa có sự chuyển động lớn, còn bất cập. Vì vậy cần kiểm tra giám sát, công tác phòng, chống bệnh tại các xã, phường.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý, nếu công tác phòng, chống bệnh không quyết liệt, khả năng bùng phát bệnh do virus Zika là rất cao, vì vậy các đơn vị chức năng của thành phố bằng mọi cách phải tầm soát tình hình, không để bệnh bùng phát.
Đồng thời, các ban ngành chú trọng việc xử lý các dự án đang bị bỏ dở, không đảm bảo vệ sinh môi trường. HĐND các quận, huyện và xã, phường của thành phố phải phối hợp với các đơn vị, tổ chức để giám sát liên tục công tác phòng chống dịch bệnh của chính quyền các cấp, thời phát hiện và xử lý những hạn chế trong công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika.
Theo An Nhiên/Infonet