Trà giảm cân Cường Anh từng chứa chất cấm nguy hại, có đáng tin?

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù Công ty Cường Anh Authentic phủ nhận trách nhiệm về lô Trà giảm cân Slim Cường Anh không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường, người tiêu dùng đặt câu hỏi liệu có đáng tin khi nhãn hàng này từng bị cảnh báo chứa chất cấm?

Cục An toàn thực phẩm vừa ra cảnh báo về việc lưu hành trên thị trường sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Slim Cường Anh không rõ nguồn gốc xuất xứ và đang được quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.
Tuy nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Cường Anh Authentic không thừa nhận việc sản xuất, kinh doanh lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Slim Cường Anh (số lô: 010320, NSX: 01/03/2020, HSD: 28/02/2021), và không chịu trách nhiệm về lô sản phẩm này đang lưu hành trên thị trường.
Tra giam can Cuong Anh tung chua chat cam nguy hai, co dang tin?
 
Công ty cũng không thừa nhận các trang website/facebook: http://cuonganh.vn, http://cuonganhauthentic.com, www.facebook.com/cuonganhauthenticOfficial/, www.bantragiamcan.com, www.nilp.vn đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Slim Cường Anh vi phạm quy định của pháp luật là của Công ty, Công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Slim Cường Anh trên các trang mạng này.
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, trên trang web http://cuonganhauthentic.com, Trà Slim Cường Anh được giới thiệu là “sản phẩm cải tiến của Trà thảo mộc giảm cân Cường Anh và Trà giảm cân Cường Anh”. Theo đó, Trà Slim giảm cân Cường Anh được quảng cáo là sự kết hợp giữa 8 loại thảo dược “thần thánh” tốt cho việc giảm cân, và liệt kê công dụng của từng thành phần sản phẩm như chè vằng, linh chi, lá sen, tinh nghệ, tiểu nhân sâm, sơn tra, trần bì, tinh bưởi… Đáng nói, các công dụng của những thành phần này được nhãn hàng “nổ” như thuốc “chuyên trị các bệnh như máu nhiễm mỡ, tiểu đường, cao huyết áp”, “giúp chuyển hóa và làm giảm sự hấp thụ chất béo vào cơ thể”, “làm đẹp da, thải độc, ngăn ngừa ung thư”, “loại bỏ chất béo ra khỏi cơ thể, làm giảm cholesterol xấu, tăng cường cholesterol tốt, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể”, “chống lại oxy hóa và giảm mỡ máu rất tốt”,…
Tra giam can Cuong Anh tung chua chat cam nguy hai, co dang tin?-Hinh-2
Hình ảnh quảng cáo Trà Slim Cường Anh trên  trang web http://cuonganhauthentic.com
Trước những lùm xùm của Trà thảo mộc giảm cân Cường Anh và Trà giảm cân Cường Anh về quảng cáo vi phạm quy định pháp luật, từng bị xử phạt, từng vướng nghi vấn chứa chất cấm Sibutramine, và bây giờ dù đã “thoát xác” thành Trà Slim Cường Anh, nhãn hàng này vẫn có những lô hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường, và vẫn tiếp tục vi phạm quy định quảng cáo… Điều này khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi liệu nhãn hàng có đáng tin?
Chị Nguyễn Thanh Vân (Tây Hồ, Hà Nội), chia sẻ, dù biết đến nhãn hàng Trà giảm cân Cường Anh khá lâu nhưng chị vẫn không dám tin dùng, bởi có quá nhiều “vấn đề”. “Ai dám chắc nhãn hàng này không dùng chiêu bình mới rượu cũ, thay tên nhưng liệu chất lượng có khác? Họ quảng cáo trà giảm cân mà như “thuốc tiên”, vừa giảm cân vừa phòng và chữa trị vô số bệnh như mỡ máu, tiểu đường, huyết áp… Còn chưa kể nguy cơ chất cấm Sibutramine liệu có được đưa vào sản phẩm để tăng hiệu quả giảm cân, nếu có thì nguy hại thì khôn cùng. Điều này tôi không dám chắc nên không thể tin tưởng sử dụng sản phẩm”.
Anh Trần Tiến Minh (Hưng Yên) cũng chia sẻ, theo anh được biết thì chất cấm Sibutramine tuy giúp giảm cân nhưng tác dụng phụ thì vô cùng nguy hiểm. “Một chất độc hại như vậy mà người ta có thể đưa vào sản phẩm gọi là thực phẩm bảo vệ sức khỏe thì thật không thể chấp nhận được. Tất cả những nhãn hàng, tên tuổi nào từng dính dáng, hay chỉ nghi ngờ có chứa thành phần này, tôi cũng không bao giờ sử dụng”.

Mời quý độc giả theo dõi video: Xử lý nghiêm quảng cáo TPCN sai sự thật

Sibutramine được biết đến là một hoạt chất có thể có hiệu quả với quá trình giảm cân, nhưng lại có tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng nguy cơ co giật, đau tim, loạn nhịp tim và đột quỵ. Sibutramine đặc biệt nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch hay huyết áp. Chất này làm gia tăng trung bình huyết áp tâm thu và tâm trương khoảng 1-3 mmHg. Đồng thời, Sibutramine cũng làm tăng nhịp tim khoảng 4-5 nhịp mỗi phút, có thể gây rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và nguy hiểm hơn là có thể gây ngừng tim, đột quỵ.
Chính vì những tác dụng phụ nguy hại đó, từ tháng 10/2010, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) đã ban hành quyết định cấm lưu hành tất cả sản phẩm có sibutramine.
Ở Việt Nam, ngày 8/6/2010, Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine. Tiếp đó, ngày 14/4/2011 Cục Quản lý Dược đã ban hành công văn thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất Sibutramine và quyết định rút số đăng ký của tất cả các thuốc có chứa hoạt chất này ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành trên thị trường Việt Nam.
An Lê