Áp lực công việc, học tập dễ dẫn đến trầm cảm
Gặp rắc rối trong công việc dẫn đến nghĩ nhiều, buồn chán và không muốn giao tiếp với ai khiến anh Phạm Xuân Đạt ở Đắk Nông mắc chứng bệnh trầm cảm đã 5 năm nay. Gia đình đã đưa Đạt đi khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa khỏi.
“Biểu hiện của cháu khi đó là ăn kém, sợ chỗ đông người, gia đình đã đưa cháu vào Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, ở đó bác sĩ chẩn đoán cháu bị trầm cảm, uống thuốc một thời gian không thấy đỡ, mà biểu hiện còn nặng hơn, thậm chí đòi uống thuốc tự tử nên gia đình quyết định đưa cháu ra Hà Nội điều trị”- ông Phạm Xuân Tiến, bố của bệnh nhân Đạt nói.
|
(Ảnh minh họa: KT) |
Bệnh nhân Trần Lan Anh, 20 tuổi, nhập viện tại Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia trong tình trạng có ý định tự sát nhưng không thành công. Lan Anh chia sẻ, em bị áp lực nhiều trong học tập. Ngoài ra, chuyện tình cảm và gia đình không được như ý muốn, khiến em suy nghĩ nhiều, dẫn đến trầm cảm lúc nào không biết. Được biết, thời gian đầu, Lan Anh tự mua thuốc về uống nên khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.
“Em cũng tìm hiểu mọi cách nhưng không chữa được, đêm không ngủ được. Bây giờ lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng, cơ thể mệt mỏi, tim đập nhanh, toát mồ hôi, cảm giác như có ai lấy búa đập nát mình ra.”- bệnh nhân Trần Lan Anh nói.
Căn bệnh nguy hiểm, đứng sau bệnh tim mạch
Theo Tổ chức y tế thế giới, trên thế giới có gần 300 triệu người mắc bệnh trầm cảm. Ở nước ta cứ 100 người thì có 4 người bị bệnh. Đáng lưu ý là số bệnh nhân trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa từ lứa tuổi 18 đến 29.
BS Nguyễn Mạnh Hoàn – Phó Giám đốc Bệnh viện Ban ngày Mai Hương cho rằng, trầm cảm là căn bệnh nguy hiểm, đứng hàng thứ 2 sau tim mạch. Bệnh có khuynh hướng tái diễn và tái phát nên việc điều trị có thể kéo dài. Theo bác sĩ Hoàn, sự mặc cảm và kỳ thị cũng như nhận thức về bệnh còn chưa tốt, làm cho người bệnh không được khám và điều trị đúng và kịp thời.
“Những người trẻ tuổi hệ thần kinh chưa vững vàng nên dễ bị tác động và dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, những người trẻ cũng chưa có nhiều thử thách và kinh nghiệm nên khả năng ứng phó, xử lý các tình huống sang chấn tâm lý, hay còn gọi là stress còn kém; Có quá nhiều áp lực trong cuộc sống, sinh hoạt hiện nay như áp lực học tập, kinh doanh cũng dễ dẫn đến trầm cảm”- bác sĩ Hoàn cho biết.
Theo bác sĩ Hoàn, biểu hiện của bệnh trầm cảm là khí sắc trầm, đặc biệt nhiều người có cảm giác mình là người vô dụng, người có tội, thậm chí dẫn đến hành vi tự sát.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoàn cho biết, trầm cảm là một dạng rối loạn về tâm thần cần điều trị kéo dài. Theo thống kê, hơn 50% bệnh nhân trầm cảm có nguy cơ tái diễn sau lần 1 điều trị, tỷ lệ này tăng lên 70% sau lần tái diễn thứ 2. Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, người mắc trầm cảm cần được sự hỗ trợ từ phía gia đình và cộng đồng với các biện pháp trị liệu tâm lý tích cực.
Bác sĩ Hoàn khuyến cáo, để không bị mắc chứng trầm cảm, người trẻ tuổi nên giữ cho mình luôn khỏe mạnh cả về thể chất, tinh thần, đồng thời nên có lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó, cần học cách xử lý và đối phó với các sang chấn tâm lý. Trong trường hợp mắc bệnh tâm lý, cần chia sẻ với người thân và gia đình để có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.
Theo Mai Hương/VOV News