Thông tin 30 tấn cá nục nhiễm phenol ở Quảng Trị đang được dư luận đặc biệt chú ý trong mấy ngày gần đây, khi mà câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta đã và đang rất nóng trong thời gian qua.
Kết luận 1 chất cực độc không phụ thuộc vào tên gọi?
Theo website y học nội bộ của cộng đồng sinh viên đại học ngành y dược, bác sỹ và dược sỹ (dieutri.vn) có bài viết “Ngộ độc Phenol, Cresyl và dẫn chất” nêu rõ: “Phenol và các dẫn chất như cresyl (acid cresylc) là những chất rất thông dụng trong công nghiệp (hoá hữu cơ, chất dẻo, hoá dược) và dễ tẩy uế, sát khuẩn (dung dịch 1%). Ngộ độc cấp xảy ra do uống dung dịch đậm đặc với mục đích tự tử hoặc do uống nhầm. Liều nguy hiểm: từ 2 - 5gam. Liều gây chết: trên 10gam”.
Cũng theo thông tin đăng trên tờ Infonet phân tích: "nếu lấy chỉ số gây nguy hiểm nhỏ nhất là 2gam chất Phenol và liên hệ với thông tin mà Sở Y tế tỉnh Quảng Trị công bố là “30 tấn cá nục có hàm lượng Phenol 0,037mg/kg”, thì một người cần phải tiêu hóa 54.000 kg (54 tấn) cá nục trong thời gian ngắn mới có thể tích tụ đủ hàm lượng độc chất gây nguy hiểm đến sức khỏe. Đây là một con số không tưởng và gần như không thể xảy ra".
|
Cá nục nhiễm độc phenol ở Quang Trị |
Các nhà khoa học khẳng định phenol là chất cực độc
Trong khi đó, TS Trịnh Lê Hùng, Nguyên giảng viên Khoa Hóa Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “ Bản chất phenol là một chất sát trùng, cho nên không thể được sử dụng trong thực phẩm”.
Đồng quan điểm, PGS TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên Giảng viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội khẳng định: “Phenol là chất cực độc, là mầm mống gây ra các ung thư cho con người nên tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm, ngay cả trong việc sản xuất bao bì. Khi dùng trong công nghiệp thì người tiếp xúc với phenol cũng cần có những kĩ thuật bảo vệ phòng hộ nghiêm ngặt”.
Còn theo TS Trần Đáng, Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế: “ Dù là cá nhiễm độc do quá trình bảo quản hay do môi trường nước ô nhiễm, thì cũng rất nguy hiểm. Trước đây, khi tôi còn công tác tại Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, rất hiếm khi xảy ra các vụ việc thực phẩm nhiễm các chất cực độc ở mức độ nghiêm trọng như hiện nay”.
Đang rà soát phenol có bị cấm trong thực phẩm không?
Trao đổi với Tuổi trẻ, Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết:” Tôi có tham khảo ý kiến chuyên môn từ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thì họ có trả lời là, hàm lượng 0,037mg/kg là ngưỡng dễ có sự sai số, phải xem phương pháp kiểm nghiệm có chính xác hay không. Sau đó, chúng tôi cũng sẽ rà soát trong danh mục, hiện đang rà lại xem trong danh mục của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) có phenol trong danh mục bị cấm không, nếu không cấm thì mức độ/ngưỡng cho phép là bao nhiêu?”.
Ông Phong cũng cho biết sẽ công bố kết quả rà soát trong 1-2 ngày tới.
Trong 1 diễn biến khác, theo Cơ quan đăng kiểm các chất độc hại về bệnh tật Mỹ (ATSDR), phơi nhiễm phenol theo cách nào cũng có thể gây ngộ độc. ATSDR cho biết đã có những trường hợp nuốt phải phenol được ghi nhận tại Mỹ. Nuốt phải từ 1 - 32mg có thể gây tử vong ở người lớn.
Mời độc giả xem video: Các bước xử lý khi gặp người bị ngộ độc:
Hồng Nhung