Tính đến ngày 28/7, hơn 21.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận ở 78 quốc gia trên thế giới. Trong đó, có một số trường hợp là trẻ nhỏ.
Tại Mỹ, hai bệnh nhi đậu mùa khỉ đầu tiên là một trẻ nhỏ ở bang California và một trẻ sơ sinh không phải công dân Mỹ. Hai bé đang được điều trị, hiện có sức khỏe tốt. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, có khả năng trẻ lây nhiễm từ gia đình.
Được biết, virus cũng có thể truyền sang bào thai hoặc trẻ sơ sinh trong quá trình sinh nở hoặc tiếp xúc vật lý sớm.
Triệu chứng ở trẻ mắc đậu mùa khỉ?
Trang whattoexpect.com cho biết, có thể mất từ 5 ngày đến 3 tuần sau khi tiếp xúc nguồn lây thì các triệu chứng mới xuất hiện.
|
Ảnh minh họa: Medicircle. |
Theo CDC, các triệu chứng ở người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể bao gồm sốt, đau đầu, đau cơ và đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, kiệt sức. Phát ban có thể trông giống như mụn nhọt hoặc mụn nước xuất hiện trên mặt, trong miệng hoặc các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, chân hoặc ngực,...
"Tôi nhận được rất nhiều email kèm hình ảnh phát ban. Thật không may, nó trông giống với bệnh chân tay miệng mà nhiều trẻ em mắc phải", bác sĩ nhi khoa Gina Posner tại Mỹ cho hay.
Thông thường, bệnh kéo dài từ hai đến bốn tuần.
Trẻ mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm hay không?
Bệnh đậu mùa ở khỉ vẫn là một căn bệnh hiếm gặp và hầu hết mọi người thường tự khỏi mà không cần điều trị. Cho đến nay, chưa có ai ở Châu Âu, Mỹ tử vong vì đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát hiện tại, nhưng các biến chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm viêm phổi và nhiễm trùng não hoặc mắt, có thể xảy ra.
CDC cho biết trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 8 tuổi, và phụ nữ mang thai cũng như những người bị suy giảm miễn dịch và những người có tiền sử viêm da dị ứng hoặc chàm có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng.
Đối với trẻ em, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không cấp phép sử dụng vắc xin JYNNEOS cho người dưới 18 tuổi. Nhưng đối với trẻ hơn 1 tuổi, vắc xin ACAM2000 có thể cung cấp sự bảo vệ khi cần thiết, đặc biệt là trong trường hợp phơi nhiễm.
Để phòng ngừa bệnh, phụ huynh chú ý tránh để trẻ tiếp xúc trực tiếp với người có nguy cơ hoặc nghi ngờ mắc bệnh hoặc chạm vào các vật dụng của người có nguy cơ nhiễm bệnh. Ngoài ra, nên cho trẻ ăn chín uống nước sôi để nguội, không ăn thịt động vật chưa qua kiểm định nguồn gốc, xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cha mẹ khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn. "Rửa tay thường xuyên vẫn là chìa khóa để ngăn ngừa hầu hết các bệnh nhiễm trùng, bao gồm đậu mùa khỉ", chuyên gia Crosby khuyến cáo.
An Án (Theo WTEC)