Cứ ngỡ rằng giai thoại việc bà Từ Hy Thái hậu của nhà Thanh ở Trung Quốc dùng thứ thuốc có tên Ejiao cao lừa để an thai rồi hạ sinh một đứa bé, sau đó trở thành hoàng đế chỉ là câu chuyện truyền miệng không có thật nhằm phóng đại về công dụng thần kỳ của loại thuốc này. Vậy mà, điều này lại được người Trung Quốc “tin sái cổ” dẫn tới hàng triệu con lừa đã bị “hóa kiếp” để làm nguyên liệu chế “thần dược”.
|
Bên trong một cơ sở bào chế thần dược Ejiao từ da lừa tại Trung Quốc.. |
Hiện các công ty sản xuất “thần dược” bằng cách giết mổ lừa lấy da để rồi từ những tấm da lừa còn đầy máu tiến hành chiết xuất ra một thứ chất gelatin. Từ chất này bào chế thành cao lừa Ejiao dạng lỏng như si-rô được quảng cáo có công dụng “thần kỳ” giúp “tăng sinh lực cho đấng mày râu và duy trì sự trẻ trung cho phái đẹp”, đồng thời có thể chữa chứng mất trí nhớ, vô sinh và nhiều bệnh về hô hấp khác.
Dù đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học đáng tin cậy về tác dụng của cao lừa Ejiao, song người Trung Quốc vẫn đổ xô tìm mua “thần dược” này, dẫn tới cuộc “tàn sát hàng loạt” lừa tại Trung Quốc. Theo ước tính, có tới 4 triệu con lừa bị giết mổ mỗi năm để lấy da phục vụ nhu cầu chiết xuất chất gelatin làm Ejiao.
Tính ra, cứ mỗi ngày lại có hơn 10.000 con lừa bị làm “vật tế thần” cho “thần dược”, trong khi lừa mẹ cần 14 tháng mang thai mới cho ra đời một lừa con và cần 3 năm thì lừa con này mới có thể giết mổ để lấy da. Tốc độ tàn sát tới mức tận diệt này khiến số lượng lừa ở Trung Quốc giảm sút nhanh, từ khoảng trên 11 triệu con, số lượng nhiều nhất thế giới cách đây 30 năm, giảm xuống khoảng 3-5 triệu con hiện nay.
Trong khi đó, nhiều nơi ở Trung Quốc, lừa vẫn là sức kéo chính nên nhiều người không cho chúng mang thai vì sợ mất “phương tiện” thồ hàng hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều gia đình trước cái giá quá hời, từ 60 USD trước đây lên 350 USD/con hiện nay, đã chấp nhận mất sức kéo và bán lừa cho lái buôn để rồi sau đó phải hối hận vì không tìm được phương tiện thay thế.
Khan hiếm ở thị trường trong nước, lái buôn Trung Quốc đã tỏa đi khắp thế giới để “vơ vét” lừa, thoạt đầu là quốc gia láng giềng Pakistan với số lượng thu mua khoảng 80.000 con mỗi năm. Sau đó, Trung Quốc tập trung sang thị trường châu Phi, đẩy giá lừa ở Lục địa đen tăng vọt tới 5 lần so với trước đây, khiến giá mỗi bộ da lừa lên tới 200 USD.
Việc người Trung Quốc săn lùng “thần dược” Ejiao đã khiến cả thế giới lo lắng cho việc đảo lộn thị trường chăn nuôi mà cụ thể là nguy cơ sụt giảm nhanh chóng đàn lừa thế giới. Trước đó, nhiều vấn đề đau đầu đã được đặt ra khi người Trung Quốc đổ xô đi khắp thế giới thu gom ngà voi, sừng tê giác về làm “thần dược”.
Các nhà bảo vệ động vật thế giới đã lên án mạnh mẽ ngành công nghiệp sản xuất Ejiao dẫn tới tình trạng “tận diệt” loài lừa khắp nơi trên thế giới. Nhiều quốc gia châu Phi sau khi thấy số lượng đàn lừa sụt giảm quá nhanh chóng đã ban hành lệnh cấm giết mổ lừa bán cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, giá cao, lợi nhuận lớn đã làm bùng phát thị trường chợ đen và những kẻ buôn lậu lừa sang Trung Quốc. Bà Marjorie Farabee, một nhà bảo vệ động vật người Mỹ đã bức xúc thốt lên: “Sao người Trung Quốc cứ thích xem tất cả những thứ của thế giới như thể của họ rồi mặc nhiên hủy hoại và tàn phá vậy?”.
Theo Hoàng Tuấn/ANTĐ