Trong thời điểm không khí lạnh tăng cường mạnh hơn trên cả nước, nhiệt độ giảm mạnh là thời điểm thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn sức khỏe liên quan đến tim mạch, đột quỵ tim,...
Trong số đó, đột quỵ tim là một trong những căn bệnh có nguy cơ xảy ra rất cao bởi những cơn nhồi máu cơ tim đẩy người bệnh rơi vào tình cảnh “thập tử nhất sinh”. Nếu qua giai đoạn “thời gian vàng” thì tỷ lệ tử vong rất cao.
Tuy nhiên, trước khi căn bệnh đột ngột xảy ra, bạn vẫn có thể nhận biết được những dấu hiệu sau đây để đề phòng cơn đột quỵ tim chuẩn bị ập đến. Nếu thấy có những dấu hiệu dưới đây, đặc biệt là giai đoạn trước khi bước vào giấc ngủ, hãy cẩn thận vì rất có thể bạn chuẩn bị đối mặt với cơn đột quỵ.
1. Nhịp tim đập nhanh bất thường
Nhịp tim nhanh bất thường để cảnh báo nguy cơ xảy ra đột quỵ tim. Người bệnh có thể cảm nhận rõ được tiếng đập thình thịch của tim, cảm giác như lồng ngực rung lên và đôi khi mất 1 nhịp. Đồng thời bản thân luôn có cảm giác hồi hộp lo lắng dù không có việc gì quan trọng.
2. Đau tức ngực
Đau tức ngực là triệu chứng nhồi máu cơ tim điển hình. Cơn đau này như bóp nghẹt một vùng sau xương ức và nóng rát trước ngực. Đau có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, lưng, bụng hoặc cánh tay trái. Thời gian đau có thể kéo dài vài phút hoặc biến mất rồi lại xuất hiện. Ngoài cơn đau điển hình, bệnh nhân còn có các triệu chứng: Khó thở; đổ mồ hôi; buồn nôn, nôn ói; lo lắng; ho; chóng mặt; tim đập nhanh.
Dù sau đó cơn đau thuyên giảm nhưng bạn phải cực kỳ cảnh giác vì đây là triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim.
3. Khó thở
Khi có dấu hiệu thở gấp hoặc khó thở thoáng qua, bạn cần giữ bình tĩnh và ngồi xuống. Lúc này tim của bạn đang có dấu hiệu bị thiếu oxy. Dấu hiệu khó thở thường đi kèm với đau ngực, nhưng cũng có thể xuất hiện trước đó.
Cảm giác đau có thể chỉ là cảm giác ăn không tiêu, đau thượng vị (làm lầm với đau bao tử nên dễ bị bỏ sót). Cần kiểm tra kỹ lưỡng trước khi kết luận nguy cơ đột quỵ tim.
Những đối tượng có nguy cơ đột quỵ tim
- Nam giới trên 45 và nữ giới trên 50 là những người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim.
- Những người trước đó đã có nhồi máu cơ tim thì rất dễ bị lại nhồi máu cơ tim lần tới.
- Người trẻ tuổi nhưng có thói quen sinh hoạt không lành mạnh, hay tắm đêm và mặc không đủ ấm.
- Những người đang gặp bệnh đái tháo đường.
- Những người có các yếu tố nguy cơ cao như những bệnh nhân rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực là những người dễ bị nhồi máu cơ tim.
Phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim bằng các biện pháp sau:
- Cân bằng dinh dưỡng: Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm ngũ cốc, rau, trái cây, thịt nạc. Nên giảm các thực phẩm trong chế độ ăn, bao gồm đường, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, tránh thực phẩm giàu cholesterol.
- Thể thao: Tập thể dục khoảng 5 lần trong tuần sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Nếu đã bị nhồi máu cơ tim, nên trao đổi với bác sĩ trước để được tư vấn một chế độ luyện tập vừa sức và mang lại hiệu quả.
- Bỏ thuốc lá: Ngưng hút thuốc lá là yếu tố rất quan trọng, vì sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ cơn đau tim và cải thiện sức khỏe tim mạch và hô hấp. Cần tránh môi trường khiến bạn phải hút thuốc lá thụ động.
- Hạn chế rượu bia: Nếu uống nhiều rượu và uống thường xuyên sẽ gây ra tăng huyết áp, tăng triglycerid máu dẫn đến rối loạn nhịp tim, ngoài ra bia rượu còn gây ra suy gan, bệnh cơ tim…
- Khám sức khỏe định kỳ để theo dõi, phát hiện kịp thời các yếu tố bất thường trên cơ thể.
- Tránh căng thẳng: Căng thẳng, stress sẽ gây hại tim và khiến cho tim đập nhanh. Hãy thư giãn bằng cách ra ngoài hít thở, thu xếp thời gian nghỉ ngơi trong những ngày cuối tuần.
- Đối với bệnh nhân đã mắc bệnh đột quỵ tim nên tuân thủ điều trị theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Theo Phunuvietnam