Thông tin này được tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), cho biết chiều 4/3.
Vaccine ngừa Covid-19 do IVAC nghiên cứu và sản xuất có tên là COVIVAC. Nghiên cứu được Bộ Y tế phê duyệt thực hiện trên 120 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng.
IVAC nhấn mạnh chỉ những người hiểu rõ về nghiên cứu và tình nguyện mới được sàng lọc, xét tuyển. Tình nguyện viên chấp thuận tham gia nghiên cứu sẽ được khám sức khỏe, làm một số xét nghiệm sàng lọc.
Trong giai đoạn 1, tình nguyện viên được tiêm 2 mũi vaccine, mỗi mũi cách nhau 28 ngày. Sau khi tiêm, họ sẽ được lưu lại Trung tâm Dược lý lâm sàng trong 24 giờ đầu sau khi tiêm liều 1 và 4 giờ sau khi tiêm liều 2, để theo dõi an toàn.
|
Hình ảnh vaccine COVIVAC với 3 liều khác nhau. Ảnh: Sức khỏe đời sống. |
Tình nguyện viên được lấy mẫu máu vào 7 lần thăm khám (trong tổng số 8 lần thăm khám) để đánh giá tình trạng sức khỏe sau khi tiêm vaccine và đo lượng kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Tình nguyện viên được hỗ trợ 300.000 đồng chi phí đi lại, thời gian bỏ ra cho mỗi lần thăm khám. Riêng lần thăm khám có tiêm mũi 1 và mũi 2, số tiền hỗ trợ lần lượt là 1.000.000 và 500.000 đồng.
Điều kiện để tham gia nghiên cứu:
- Từ 18-59 tuổi, khỏe mạnh
- Tình nguyện tham gia
- Cân nặng và chiều cao phù hợp
- Cư trú tại Hà Nội và đồng ý sắp xếp thời gian tham gia tất cả lần thăm khám nghiên cứu theo lịch.
- Nếu là nữ có khả năng mang thai, phải đồng ý sử dụng biện pháp tránh thai ít nhất 28 ngày sau khi tiêm liều vaccine thứ 2.
- Sẵn sàng nhận điện thoại từ nghiên cứu viên để họ theo dõi an toàn và mời đến tham gia các lần thăm khám.
Cách thức đăng ký:
- Cách 1: Đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội, số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội.
- Cách 2: Qua điện thoại: 024.385.23798
- Cách 3: Qua email duoclylamsang@gmail.com
Thời gian bắt đầu nhận đăng ký từ 8 giờ ngày 5/3.
Địa điểm nghiên cứu:
Tất cả 9 lần thăm khám/ tiêm chủng trong thời gian 13 tháng được thực hiện tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội.
Theo tiến sĩ Dương Hữu Thái, vaccine COVIVAC do viện sản xuất với mục đích phục vụ người dân trong điều kiện khẩn cấp của đại dịch Covid-19. Vì vậy, dựa trên các nguồn lực có sẵn, mức giá 60.000 đồng.
COVIVAC là vaccine toàn hạt virus tinh khiết, bất hoạt, dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản. Vaccine này được sản xuất trên công nghệ trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.
Đây là vaccine Covid-19 thứ hai của Việt Nam được thử nghiệm lâm sàng, dự kiến tiêm mũi đầu tiên của giai đoạn một vào giữa tháng 3. Các kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng chỉ ra vaccine có hiệu lực bảo vệ khá tốt.
Tiến sĩ Dương Hữu Thái cũng thông tin các đánh giá hiện tại cho thấy COVIVAC có hiệu quả ngăn ngừa cả hai biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh và Nam Phi.
Theo Bích Huệ/Zing