Mọi người trong khu tập thể ai cũng khen chị “tốt số”, lấy được người chồng chăm chỉ, chịu khó. Sáng nào anh cũng đích thân đi chợ, cầu kỳ chọn từng mớ rau, lật từng miếng thịt để mua. Không phải anh thương chị bận bịu nhiều việc mà giúp chị, quan trọng là anh không tin tưởng chị trong việc lựa chọn cũng như trả giá thực phẩm. Đi đâu anh cũng rêu rao việc chị “dễ dãi” trong việc chọn thực phẩm, người bán đưa gì cũng mua, không “vạch lá tìm sâu”, lúc nào cũng mua đắt, không biết trả giá. Món đồ nào chị mua về cũng bị anh cằn nhằn.
Chị bực nhất là gặp ai trên đường đi chợ, anh cũng bêu riếu chị, cứ như thể chị quá vụng về, ngốc nghếch, không biết mua bán gì cả.
Gặp bạn bè của anh, thậm chí của chị, anh cũng chẳng nể nang gì mà thao thao bất tuyệt kể xấu vợ. Nào là cô ấy chậm chạp, tầm nhìn thấp, lúc nào cũng lơ nga lơ nga. Hôm nào nhà có khách, thức ăn không vừa ý, anh lại “làm một tràng”: Nhà thừa muối à? Nấu bát canh cũng không xong, canh chua mà ngang phè phè thế này. Khổ nhất là lấy vợ đoảng. Cả đời chẳng được bữa cơm ngon! Những lúc ấy, chị chỉ biết nuốt cục tức và cười trừ. Lấy ông chồng “mở miệng ra là chê bai vợ” khiến chị rất tổn thương, ức chế.
Đặc biệt, những lúc có mặt bố mẹ vợ hoặc người nhà vợ, anh luôn mồm chê bai vợ cứ như thể bố mẹ chị có lỗi vì không biết dạy con. Rằng vợ “vụng hết phần người khác”, không biết chăm con, không biết nấu nướng. Rồi anh thường xuyên so sánh chị với cô đồng nghiệp của anh, trẻ hơn chị nhiều nhưng việc gì cũng giỏi, chiều chuộng chồng, chăm sóc con béo tốt, biết quan tâm đến người nhà chồng.
Anh nói xấu chị như một thói quen cố hữu. Hơn ai hết chị hiểu anh luôn coi thường chị, không tôn trọng chị. Những lời chê bai của anh thực sự bạo hành tinh thần chị. Đến lúc, không thể chịu nổi, chị quyết định “giải thoát” mình khỏi người chồng ngạo mạn, lúc nào cũng “mở miệng ra là chê bai vợ”.
Theo Linh Đan/PNVN