Hiệu quả y học cổ truyền trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19
Sau khi Bộ Y tế ban hành quyết định số 4539 về hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền trong phòng, điều trị COVID-19; BV Y học Cổ truyền TP.HCM đã triển khai các bài thuốc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.
|
Bác sĩ BV Y học cổ truyền châm cứu cho bệnh nhân. |
Tới cuối tháng 11/2021, BV Y học Cổ truyền TP.HCM bằng kinh nghiệm điều trị cho nhiều trường hợp F0 và đặc biệt các trường hợp phục hồi sau bị bệnh bằng y dược cổ truyền. Bệnh viện nỗ lực xây dựng các phương pháp điều trị kết hợp bằng thuốc đông dược, các phương pháp không dùng thuốc (xoa ấn huyệt, châm cứu, cấy chỉ,…), chế độ ăn uống (thực dưỡng) cùng các phương pháp tập luyện để hỗ trợ điều trị phục hồi cho các bệnh nhân sau nhiễm COVID-19. Quá trình phục hồi COVID-19 tùy thuộc vào mức độ của bệnh trước đó. Sau mắc COVID-19 thể nhẹ, không có triệu chứng có thể hồi phục trong vòng một tuần đến 10 ngày.
Theo ông Đỗ Tân Khoa, hiện nay mô hình trạm y tế lưu động rất thuận lợi cho công tác chăm sóc điều trị F0 tại nhà. Do vậy, cần có tham mưu chỉ đạo để đưa thuốc y học cổ truyền đến người bệnh thông qua mô hình này.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền -Bộ Y tế cần có triển khai các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, phối kết hợp các đơn vị để nghiên cứu thuốc y học cổ truyền trong điều trị COVID-19.
Triển khai ứng dụng y, dược cổ truyền trong phòng, chống dịch COVID-19
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta diễn biến dịch phức tạp và kéo dài đã tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân. Cùng với ngành Y tế cả nước, các đơn vị y dược cổ truyền đã tích cực tham gia đóng góp về nhân lực, vật tư y tế, thuốc điều trị.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực kết hợp y học hiện đại và cổ truyền trong điều trị, phòng, chống COVID-19, đồng thời nỗ lực áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc nghiên cứu bệnh COVID-19.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ: "Bước đầu chúng ta có căn cứ để các Sở y tế, các bệnh viện trong cả nước triển khai việc ứng dụng y, dược cổ truyền điều trị, phòng, chống dịch COVID-19. Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế cần tổng hợp ý kiến đề xuất từ các cơ sở y, dược cổ truyền và các cơ quan có liên quan (như Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Bộ Tư Pháp…) đề xuất được cơ chế, thể chế làm căn cứ để Bộ Y tế ban hành văn bản hoặc tham mưu trình Thủ tướng ban hành văn bản".
|
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: Bộ Y tế. |
Thời gian qua, thuốc y học cổ truyền của Việt Nam đã tham gia vào điều trị và kết hợp với y học hiện đại để điều trị có kết quả cụ thể đối với nhiều trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19.
PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, cho biết thêm một số bài thuốc cổ truyền đang được các đơn vị nghiên cứu ứng dụng, bước đầu ghi nhận kết quả tốt: Bệnh nhân không bị chuyển mức độ nặng, giảm nhanh các triệu chứng (ho, sốt mất vị giác, khứu giác, đỡ mệt mỏi,...).
Để có cơ sở ứng dụng y, dược cổ truyền vào phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Cục Y, Dược cổ truyền phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và các đơn vị liên quan xây dựng đề cương nghiên cứu, đưa ra các minh chứng, số liệu cụ thể, trình Bộ Y tế phê duyệt khẩn trong điều kiện "chống dịch như chống giặc".
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Cục Y, Dược cổ truyền cần tổ chức tập huấn, cập nhật các bài thuốc hay cổ truyền để cán bộ y tế, người dân biết và sử dụng để phòng, chống COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng kêu gọi toàn thể những người đang công tác trong lĩnh vực Y, Dược cổ truyền hãy tích cực hơn nữa và chủ động tham gia trong công tác phòng, chống dịch COVID- 19.
Tận dụng thế mạnh của đông y
TS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hội Đông y TPHCM, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM chia sẻ, y học cổ truyền có quá trình nghiên cứu dịch bệnh từ rất lâu và rất kỹ. Đặc biệt, đã có trường phái chuyên nghiên cứu về dịch bệnh, gọi là “ôn bệnh”. Từ đó, người ta nhận thấy rằng, dịch bệnh cũng có những quy luật nhất định giống như quy luật về thời tiết… Chẳng hạn, những năm đông ấm, tức là mùa đông không lạnh, sẽ không làm những con ký chủ chết và nó sẽ mang mầm bệnh, sau đó gây bệnh và lây bệnh.
Đối với đặc điểm của bệnh COVID-19 như sốt ho, khó thở, ớn lạnh, nhức mỏi, đau đầu, đau họng... rất tương đồng với chứng ôn bệnh trong y học cổ truyền, trong đó có đặc điểm phục tà, tức là có những yếu tố gây bệnh tiềm tàng trong cơ thể con người. Khi sức khỏe suy yếu, thì lúc đó mới phát bệnh. Điều này thể hiện rõ thông qua thời gian ủ bệnh ban đầu của COVID-19. Thời gian cuối năm 2019, đầu năm 2020, trung bình sau khi mắc bệnh từ 7-14 ngày thì mới phát bệnh và có nguy cơ lây bệnh. Giai đoạn bệnh lúc này rất khác với dịch SARS năm 2003, người mắc bệnh SARS sẽ phát bệnh, sốt cao, ngay sau 1-2 ngày nhiễm bệnh.
Dựa trên các đặc điểm của bệnh COVID-19 như có thời gian lây bệnh trong lúc virus vẫn còn tiềm tàng trong cơ thể con người, khó phát sớm bệnh, hoặc bệnh sẽ trở nặng khi người mắc bệnh là người lớn tuổi, người có bệnh nền… Các bác sĩ y học cổ truyền đã nghiên cứu rất kỹ nhiều công trình, bài thuốc điều trị hỗ trợ.
TS Trương Thị Ngọc Lan cũng cho biết, tháng 3/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định 1374 về giới thiệu các giai đoạn cũng như các bài thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 kết hợp với y học hiện đại.
“Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến đầu năm 2021, dịch bệnh ở nước ta chỉ mang tính chất nhỏ lẻ từng khu vực, vì vậy chúng ta không cần đến ứng dụng này. Tuy nhiên, giai đoạn dịch bùng phát ở Bắc Giang với số ca mắc cao, chúng ta bắt đầu có sự kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Hiện nay, ở TPHCM cũng đang áp dụng sự kết hợp này”, TS Trương Thị Ngọc Lan cho biết.
Với biến chủng Delta, gần đây, Viện Y dược học dân tộc TPHCM có kết hợp các loại sản phẩm để khu tà, tức là có tác dụng hỗ trợ diệt virus bằng y học cổ truyền. Cụ thể, như sản phẩm Xuyên tâm liên kết hợp với phù chính, tức là vừa nâng sức khỏe vừa diệt virus. Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm y học cổ truyền đa dạng khác được sử dụng như nước rửa tay, nước xúc miệng, xịt họng, thuốc uống… để phục vụ cho nhiều đối tượng trong hỗ trợ điều trị F0.
PV