Ngày 6/9, nam thanh niên này được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Được biết, bệnh nhân có tiền sử viêm gan B.
“Việc dùng quá liều thuốc paracetamol dẫn đến ngộ độc, tiền sử viêm gan B làm tăng tình trạng nặng của bệnh” - BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc thông tin.
Paracetamol là thuốc hạ sốt , giảm đau được sử dụng phổ biến, có thể mua mà không cần đơn thuốc. Paracetamol có nhiều dạng bào chế, thuốc viên thì có viên nén thường, nén bao phim, nén nhai, rồi viên sủi, thuốc bột, thuốc cốm, thuốc đạn, dạng siro... hàm lượng khác nhau, từ 80 mg, 150 mg, 250 mg đến 500 mg.
Paracetamol được chuyển hoá ở gan. Paracetamol còn gây độc cho thận, cơ tim, tuỵ và cơ vân.
Nếu không để ý hàm lượng thuốc, người dùng rất dễ xảy ra tình trạng ngộ độc paracetamol. Chỉ cần 2 ngày liên tục dùng trên 3g paracetamol (tức là 6 viên 500mg) là đã có nguy cơ viêm gan ngay cả với người khỏe mạnh.
|
Hiện bệnh nhân bị hôn mê, tiên lượng rất nặng, sốt cao chưa xác định nguyên nhân, có thể nhiễm trùng. |
Các bác sĩ khuyến cáo, trong trường hợp sốt cao, người bệnh nên kết hợp uống hạ sốt và chườm nóng, uống nhiều nước, không nên uống thuốc quá liều lượng.
Người Việt trưởng thành tốt nhất là mỗi ngày chỉ dùng dưới 2g, có thể cho phép đến 3g nhưng có nguy cơ ngộ độc, nhất là với người có tiền sử viêm gan, thể trạng yếu, nghiện rượu...
Khi dùng thuốc phải tuân thủ liều lượng. Với trẻ em dưới 12 tuổi, liều uống paracetamol được khuyến cáo là 10-15 mg trên một kg trọng lượng hoặc đặt hậu môn mỗi 4-6 giờ, tối đa không vượt quá năm lần dùng mỗi ngày.
Trẻ em dưới hai tuổi hoặc cân nặng dưới 11 kg dùng paracetamol theo chỉ định của thầy thuốc. Với người lớn, liều khuyến cáo là 60-80 mg cho kg cân nặng mỗi ngày và không được quá 4g/ngày.
Khi bị ngộ độc, người bệnh có các biểu hiện ban đầu như: Chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, vã mồ hôi, khó chịu, có thể đau hạ sườn phải.
Nếu không can thiệp ngay và dừng thuốc, bệnh nhân sẽ nặng thêm, khi đó, bệnh nhân có thể đã bị viêm gan nhiễm độc cấp tính. Trường hợp nhiễm độc nặng, khoảng ngày thứ 3-6, bệnh nhân có thể bệnh não gan, toan chuyển hoá, bệnh nhân tử vong do suy đa tạng.
Ngay khi biết uống quá liều paracetamol, cần tìm cách xử lý, gây nôn, dùng than hoạt hoặc thuốc tẩy muối hay nước chè đặc để làm giảm hấp thu lượng độc cho gan. Các trường hợp có triệu chứng rõ ràng của nhiễm độc cần nhanh chóng đến cơ sở y tế cấp cứu.
Các nguyên nhân thuận lợi làm cho nhiễm độc paracetamol ở liều thông thường là: Tiền sử mắc bệnh tâm thần; Mới uống rượu và thuốc an thần; Dùng paracetamol cùng với thuốc khác; Bệnh nhân mới bị tụt huyết áp.
Theo Võ Thu/Giadinh.net