Trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai) đang điều trị cho một nữ bệnh nhân 30 tuổi (quê ở Chương Mỹ, Hà Nội) bị ngộ độc chì và liệt rất nặng do uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Bệnh nhân vào trung tâm Chống độc trong tình trạng thiếu máu, hạn chế vận động, thậm chí không thể ngồi dậy và cử động tứ chi.
Được biết, vào khoảng tháng 9/2016, bệnh nhân bị đau hai bên đầu gối nên đã mua thuốc nam về uống. Sau 2 tháng uống thuốc liên tục, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện yếu chân tay, xanh xao, thiếu máu, sụt cân.
|
Người dân cần thận trọng khi dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc. |
Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên (phụ trách trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai) cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ chì trong máu cao, bệnh nhân bị ngộ độc chì nặng do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc trong một thời gian dài.
Khi nhập viện, gia đình bệnh nhân có mang theo mẫu thuốc đến xét nghiệm. Kết quả nồng độ chì trong máu: 188,79 microgam/100ml; hàm lượng chì trong mẫu thuốc nam là 2,95% - cao gấp nhiều lần mức cho phép. Kết quả xét nghiệm điện cơ và kiểm tra trên người cho thấy bệnh nhân bị tổn thương thần kinh nặng, không thể vận động tự chăm sóc bản thân, teo cơ và sút cân nghiêm trọng.
Theo bác sĩ tại trung tâm Chống độc, bệnh nhân được điều trị thải độc chì cùng chế độ chăm sóc đặc biệt. Sau gần 3 tuần điều trị, bệnh nhân đã có những tiến triển đáng kể, có thể đứng lên và tự đi lại được. Tuy nhiên, để bình phục cần phải trải qua quá trình phục hồi chức năng lâu dài.
Các chuyên gia cho biết, với trường hợp ngộ độc chì, việc thải độc gặp rất nhiều khó khăn. Vì khi vào cơ thể, chì theo máu đến các cơ quan: Gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ. Để tự thải trừ một lượng lớn chì ra khỏi cơ thể phải mất hàng chục năm hoặc lâu hơn.
Theo cảnh báo của chuyên gia, trong thuốc cam, thuốc nam có những loại khoáng vật hay dược liệu dẫn đến tình trạng người sử dụng bị nhiễm độc chì và các kim loại nặng khác. Những loại khoáng vật như: Hồng đơn, hùng hoàng, thần sa, chu sa… được các thầy lang đưa vào trong thuốc cam, thuốc nam từ thời xa xưa với mục đích chống viêm và hạ sốt. Trên thực tế, ngay cả người lớn cũng bị nhiễm độc chì do sử dụng các loại thuốc truyền thống này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Khi bị ngộ độc chì, người bệnh sẽ có biểu hiện nôn mửa, đau bụng, chán ăn, mệt mỏi và xanh xao do thiếu máu. Theo quy định, nồng độ chì trong máu trên 10 mcg/dl được coi là bị nhiễm độc chì. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân bị phát hiện ngộ độc có nồng độ chì trong máu gấp hàng chục đến hàng trăm lần.
Theo N.Giang/Người Đưa Tin