Tủ lạnh là thiết bị điện nhà ai cũng có, nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng hiệu quả nhất. Có những thói quen của người dùng có thể góp phần giúp tiết kiệm phần nào điện năng mà tủ lạnh tiêu thụ. Đặc biệt là vào mùa đông, việc này chỉ cần thực hiện bằng 1 thao tác đơn giản, đó chính là thao tác điều chỉnh nhiệt độ với những nút vặn hoặc bảng điều khiển của tủ lạnh.
Các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong ngành điện lạnh cho biết, vào mùa đông, để tiết kiệm điện năng, người dùng có thể cân nhắc điều chỉnh nhiệt độ của tủ lạnh xuống mức làm mát thấp hơn. Cụ thể, ở các dòng tủ lạnh hiện đại hiện nay, mức nhiệt bên trong tủ sẽ được quy định theo mức từ 1-5 hoặc 1-6. Vào mùa hè, mức nhiệt có thể ở mức tối đa hoặc gần tối đa, nhưng vào mùa đông, việc điều chỉnh nhiệt xuống mức 2-3, thậm chí 1 là hoàn toàn có thể.
Bên cạnh việc điều chỉnh mức nhiệt độ tủ lạnh vào mùa đông, theo thời tiết, người dùng cũng có thể cân đối thực hiện thao tác này dựa trên lượng thực phẩm đang bảo quản trong tủ. Ví dụ, khi trong tủ không chứa quá nhiều đồ, có thể điều chỉnh về những mức làm lạnh thấp.
Ngược lại, khi tủ đang lưu trữ lượng đồ lớn, việc điều chỉnh lên mức làm lạnh cao là cần thiết. Đặc biệt, nếu ngăn đông tủ lạnh đang lưu trữ nhiều thực phẩm tươi sống như hải sản, tốt nhất nên duy trì mức làm lạnh cao ở ngăn này, khoảng -18 độ C. Mức nhiệt độ này sẽ ngăn chặn tối đa sự phát triển của vi khuẩn, từ đó thực phẩm sẽ được bảo quản lâu hơn, an toàn hơn.
Ngoài ra, để tủ lạnh hoạt động tiết kiệm điện hơn, bạn cần lưu ý thêm một số điểm sau:
Đặt tủ lạnh tránh xa các nguồn nhiệt, không kê sát tường
Bạn không nên đặt tủ lạnh gần các nguồn nhiệt như bếp gas, nồi cơm điện, lò vi sóng cũng như ánh sáng mặt trời. Đồng thời, tủ lạnh cũng không nên kê sát tường vì tủ cần có không gian để tỏa nhiệt, giúp tủ lạnh làm việc hiệu quả hơn. Chuyện này đặc biệt quan trọng vì hệ thống dây cáp làm lạnh đằng sau tủ cần có không khí mát để làm nguội, nếu không tủ lạnh rất tốn điện và mau xuống cấp.
Điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh phù hợp
Tùy theo thời tiết của môi trường bên ngoài mà bạn có thể tùy chỉnh tăng giảm nhiệt độ tủ lạnh cho phù hợp. Bạn không nên vặn nhiệt độ ở mức cao vì rất tiêu hao năng lượng. Vào mùa lạnh, bạn có thể chỉnh độ lạnh xuống mức 3 và tăng lên mức 4 vào những ngày nóng để tiết kiệm điện cho tủ lạnh hiệu quả.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể tăng giảm nhiệt độ linh hoạt theo từng ngăn đông, ngăn mát và ngăn đựng rau củ quả. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản thực phẩm trên ngăn đông nằm khoảng -18 độ C và khoảng 2 - 4 độ C để giữ độ tươi ngon cho thức ăn, rau củ trong ngăn mát.
Không để thức ăn nóng vào tủ lạnh
Thức ăn nóng sẽ làm tăng nhiệt độ tủ lạnh, khiến máy nén hoạt động với công suất cao để cân bằng nhiệt độ cho tủ. Nếu như bạn thường xuyên đặt thức ăn nóng vào trong, tủ lạnh cũng sẽ bị giảm tuổi thọ do phải khởi động mô-tơ để làm lạnh nhanh cho tủ nhiều lần.
Để thực phẩm trong tủ lạnh vừa đủ
Sắp xếp vừa đủ thức ăn trong tủ lạnh sẽ giúp không khí lạnh được duy trì tốt hơn nhờ vào sự trao đổi hơi lạnh qua lại giữa các món ăn, thực phẩm. Nếu tủ lạnh quá trống, việc trao đổi khí lạnh sẽ diễn ra kém hiệu quả, làm hao phí điện năng của gia đình. Để khắc phục tình trạng này, các bạn có thể linh hoạt giảm bớt nhiệt độ để máy nén làm việc ít hơn.
Vệ sinh dàn ngưng thường xuyên
Dàn ngưng có nhiệm vụ tản nhiệt của môi chất lạnh ngưng tụ ra ngoài môi trường. Dàn ngưng bị bẩn có thể dẫn đến việc tản nhiệt kém hiệu quả khiến cho việc sử dụng tủ lạnh hao phí điện năng hơn. Bạn cần tiến hành vệ sinh dàn ngưng thường xuyên, ít nhất 6 tháng hoặc 1 năm một lần.
Đồng thời, bộ làm lạnh đằng sau tủ lạnh cần được quét dọn, hút bụi để tránh bụi bẩn làm tắc nghẽn hệ thống. Nếu nhà bạn có nuôi thú cưng thì việc vệ sinh càng phải thường xuyên hơn vì đây là nơi lý tưởng cho lông động vật “trú ngụ”.
Theo Hoàng Khuông/Thương Hiệu và Pháp Luật