Thích tìm thông tin liên quan đến nam khoa, nhưng lại rất “nửa vời”!
Theo ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân (TPHCM), một trong những đặc tính của người Việt Nam nói chung, nam giới nói riêng, rất thích tìm hiểu thông tin, nhưng không đến nơi đến chốn.
Ví dụ chỉ cần gõ trên Google “khám nam khoa”, bạn có đến 82,600,000 kết quả tìm kiếm. Hàng loạt các quảng cáo đã được đẩy lên hàng đầu, trang đầu. Bên cạnh đó là các mẫu video quảng cáo ngắn trên mạng xã hội đã chi phối và làm nhiễu thông tin cho người bệnh.
|
Các sản phẩm tăng cường sinh lực nam giới hầu như đánh vào tâm lý người dùng vì những chuyện tế nhị, kín đáo… |
Do đó, lời khuyên đầu tiên của BS Mai Bá Tiến Dũng là người xem nên để ý bác sĩ nào chia sẻ thông tin đó, nội dung có được phép của Bộ Y tế, Sở Y tế hay của cơ sở y tế chưa.
Hiện, người bệnh bị bủa vây giữa các làn sóng truyền thông, quảng cáo trên zalo, trên facebook, trên mạng xã hội… Thậm chí, những video ngắn như hài, ca nhạc… cũng chứa những quảng cáo nhanh và quá mức về thuốc hay thực phẩm chức năng tăng cường sinh lực nam giới; kể cả thuốc chưa được phép lưu hành và hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng.
“Bệnh nhân của tôi từng đến khám sau khi sử dụng một loại thuốc xịt để điều trị xuất tinh sớm. Bệnh nhân phải mua đủ liệu trình theo như video hướng dẫn hết 14 triệu đồng. Sau đó, bệnh nhân điều trị không thành công, nhưng chỗ bán lại yêu cầu thêm một liệu trình thứ hai…,” ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng nói.
Những nơi này chỉ tập trung tư vấn và bán càng nhiều sản phẩm càng tốt, chứ không phải khám chữa bệnh.
Uống vào để “chồng khỏe, mau có con”… cuối cùng chồng xìu!
Theo BS Mai Bá Tiến Dũng, các sản phẩm này thường không được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, nhưng lại quảng cáo tràn lan trên mạng. Trong khi cơ quan chức năng cũng khó kiểm soát được nội dung quảng cáo, web, zalo hay mạng xã hội…
“Mới đây, tôi tiếp nhận điều trị một cặp vợ chồng trẻ; chồng 24 tuổi, vợ 19 tuổi ở Bình Chánh, TP HCM. Hai vợ chồng cho biết lấy nhau được hơn một năm, thời gian đầu hoạt động rất sung. Sau đó, hai vợ chồng tìm mua các sản phẩm gần 15 - 16 triệu đồng theo quảng cáo trên mạng để “chồng khỏe hơn, mau có con hơn”. Nhưng uống vài tháng, hai vợ chồng chỉ quan hệ 1 lần/tuần,” ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, các xét nghiệm cho thấy hai vợ chồng hoàn toàn bình thường. Ở những bệnh nhân này, thông thường nguyên nhân gây khó sinh hoạt là do yếu tố tâm lý, kỳ vọng quá mức và lạm dụng các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thành phần.
Theo ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, các triệu chứng cảnh báo bệnh nhân uống lầm sản phẩm giả, bổ sung chất cấm như Tadalafil - dược chất cấm dùng điều trị rối loạn cương dương: nhức đầu, nghẹt mũi, đỏ mặt, dương vật lúc nào cũng trong tình trạng cương.
Các cặp đôi luôn mong muốn đời sống tình dục nồng nàn, yêu thương… nhưng lại không hiểu được “cơ chế sinh bệnh” nên đã lạm dụng các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe dẫn đến các rối loạn sinh lý, suy giảm chức năng tình dục.
Theo các bác sĩ chuyên ngành nam học, đa số thực phẩm chức năng chỉ là bổ sung vitamin và khoáng chất, bên cạnh đó là một số loại cây cỏ, thảo dược. Nhưng để biết uống như thế nào là vừa và phù hợp với tình trạng sức khỏe từng người, nên đi khám để được các bác sĩ tư vấn một cách chính thống.
|
ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) tư vấn cho bệnh nhân |
Nhiều bệnh nhân nam chỉ đơn giản là bị stress hoặc suy nhược cơ thể… như cặp vợ chồng nói trên. Bác sĩ chỉ cần kê vài loại vitamin đơn chất như vitamin E, kẽm… và tư vấn cho bệnh nhân.
Thực phẩm chức năng cũng chỉ là một dạng bổ sung dưỡng chất, hoàn toàn không phải thần dược. Vì vậy, vấn đề là làm sao kiểm soát được quảng cáo “vô tội vạ” và nguồn gốc cũng như chất lượng thực phẩm chức năng đang được bán trên thị trường.
Tại Bệnh viện Bình Dân, chi phí khám khoảng 200.000 đồng/lần khám chuyên gia nam khoa, tư vấn kiểm tra sức khỏe là 300.000 đồng/lần, các xét nghiệm cơ bản liên quan đến sức khỏe nam giới như siêu âm doppler bìu, tầm soát đo nồng độ testosteron, nội tiết… khoảng 1 triệu đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Những điều cần biết về bệnh nam khoa:
Phương Khánh