Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, người hâm mộ đã vô cùng đau xót khi thông tin các nghệ sĩ đột ngột qua đời. Mới đây là ca sĩ Vân Quang Long (tên thật Lê Quang Hiển) – cựu thành viên của nhóm nhạc 1088 đình đám một thời đã qua đời đột ngột vì đột quỵ ở tuổi 41. Đầu tháng 12, sự ra đi đột ngột của nghệ sĩ Chí Tài do đột quỵ tại chung cư ông đang sống cũng đã gây tiếc nuối cho đồng nghiệp, người hâm mộ.
Ca sĩ Vân Quang Long vừa qua đời vì đột quỵ ở tuổi 41
Tại Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ vào những ngày thời tiết lạnh. Theo thống kê, chỉ trong một tháng qua tiếp nhận 1.000 ca cấp cứu, trong đó tới 10% là bệnh nhân còn trẻ tuổi. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, hôn mê, rối loạn ý thức, liệt nửa người, mất chức năng ngôn ngữ.
Thực tế, hàng năm vào mùa lạnh, số lượng bệnh nhân đến các bệnh viện vì đột quỵ có phần gia tăng hơn. Vì sao bệnh đột quỵ lại tăng lên vào mùa đông – mùa lạnh?. Về vấn đề này, BS Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, mùa đông là mùa nhiều người ra đi đột ngột. Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) có 2 dạng là thiếu máu cục bộ não còn gọi là nhồi máu não và chảy máu não. Thể nhồi máu não gặp nhiều hơn chảy máu não.
Ở mùa đông dễ dẫn tới đột quỵ do có những nguyên nhân sau:
+ Mùa lạnh, cơ thể tăng tiết Catecholamine làm co mạch để giữ nhiệt. Khi co mạch làm huyết áp tăng, tình trạng bệnh lý tim mạch trầm trọng, nguy cơ tai biến mạch máu não cao hơn.
+ Mùa đông chúng ta thường phản xạ uống ít nước nhiều hơn và cơ thể cũng tăng sản xuất các tế bào máu, hồng cầu, tiểu cầu… dẫn tới độ đặc của máu tăng. Khi độ đặc, độ quánh của máu tăng làm độ nhớt giảm, kết hợp với cholesterol tăng nguy cơ tắc mạch máu não.
+ Mùa đông, cơ thể dễ rơi vào tình huống thay đổi nhiệt độ đột ngột. Chẳng hạn như vừa ngủ dậy mặc phong phanh ra ngoài tập thể dục hay trong nhà ấm liền ra ngoài hoặc đang chơi thể thao về lại tắm lạnh… Những hoàn cảnh này rất dễ dẫn tới tai biến. Khi đang ở trong phòng ấm, uống rượu, tập thể dục… các mạch ngoại vi giãn ra, tim đập nhanh hơn. Ra ngoài gặp lạnh, cơ thể phản xạ bằng cách co hết mạch ngoại vi lại khiến lượng máu đổ dồn vào trung tâm đột ngột, tăng nguy cơ vỡ mạch máu.
+ Lười vận động thể dục, thể thao. Mùa đông, mọi người thường hay ngồi một chỗ lâu, ăn uống quá nhiều. Khi ngồi nhiều, ăn nhiều mà ít vận động thì mỡ máu nhiều, cholesterol nhiều… dễ hình thành các cục máu đông.
Điều nguy hiểm là đột quỵ dù người bệnh may mắn sống sót cũng dễ để lại những di chứng nặng nề. Bệnh cũng dễ tái phát, lần sau thường nặng hơn lần trước. Hiện nay đột quỵ ở người trẻ gia tăng nhiều hơn. Các chuyên gia y tế cho hay, đột quỵ ở người trẻ thường liên quan tới lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc, bia rượu, ít vận động; rối loạn chuyển hóa; tăng huyết áp… và do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não vốn có từ bé, đến thời điểm các phình mạch đủ lớn gây ra vỡ.
Để phòng tránh đột quỵ khi trời chuyển lạnh, mọi người cần phòng tránh các yếu tố nguy cơ trên. Mọi người cần mặc đủ ấm ngay cả khi ở trong nhà, nơi ở phải đảm bảo ấm áp, tránh bị gió lùa. Đặc biệt, người cao tuổi cần tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột và không nên tập thể dục trong thời tiết giá lạnh, nhất là vào sáng sớm. Khi thức giấc buổi sáng cũng không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay, nên nằm lại trên giường và vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi.
Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu đột ngột như tê bì, méo miệng, nói ngọng, chóng mặt, thị lực giảm, đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân… cần nghĩ ngay tới đột quỵ. Người bệnh cần được đưa tới bệnh viện càng sớm càng tốt để tận dụng thời gian vàng sau đột quỵ là 3 - 6 giờ đầu.
Theo Phương Thuận/Gia đình & Xã hội