Việt Hương bị tâm thần phân liệt: Cảnh báo cần thiết

Google News

Trong clip giới thiệu tập 8 chương trình Bước nhảy ngàn cân, diễn viên hài - giám khảo Việt Hương tiết lộ cô từng có thời gian bị tâm thần phân liệt.

Nghe tiếng mình khóc nhưng không thấy nước mắt
Các thí sinh Bước nhảy ngàn cân trong tập 8 đã tái hiện câu chuyện đời mình và cả những số phận trong văn học lẫn đời thực. Sau khi nghe thí sinh Thục Ân chia sẻ vì mặc cảm thừa cân nên cô thường trốn trong phòng tối, dẫn đến trầm cảm nặng, giám khảo Việt Hương cho biết cô cũng từng có thời gian rơi vào trạng thái tâm thần phân liệt. Đó là lúc mẹ cô qua đời. Cú sốc quá lớn khiến cô chới với, luôn có ảo giác thấy mình là hai người: một người ngồi đây không buồn, mạnh mẽ và một người khác cũng là mình ngồi ủ rũ, yếu đuối ở đằng kia.
“Chị không khóc nhưng tối ngủ lại nghe tiếng mình khóc mà không thấy nước mắt...”, Việt Hương nhớ lại giai đoạn cô bị hiện tượng ảo giác của chứng bệnh tâm thần phân liệt tấn công.
Tiết lộ này của Việt Hương nhận được nhiều lời an ủi từ khán giả nhưng cũng tạo ra tranh luận trên mạng xã hội. Nhiều người nghi ngờ đây là chiêu trò gây sốc của chương trình bởi bệnh tâm thần phân liệt làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, là chứng bệnh không thể chữa khỏi nên Việt Hương không thể bình thường như thế. Trái lại, một danh hài đồng nghiệp của Việt Hương cho biết từng chứng kiến cô khủng hoảng tâm lý trầm trọng khi đối diện cú sốc người mẹ mà cô hết mực thương yêu qua đời.
“Có thể những ảo giác đó mới là biểu hiện chớm xuất hiện của bệnh và Việt Hương điều trị kịp lúc. Với danh tiếng hiện tại, có quyền chọn chương trình xuất hiện thì nói Việt Hương đem chuyện đau buồn của mẹ mình ra gây chú ý là không đúng với bản tính chị ấy”, danh hài này nhận định.
Viet Huong bi tam than phan liet: Canh bao can thiet
Việt Hương kể lại giai đoạn cô bị hiện tượng ảo giác của chứng bệnh tâm thần phân liệt tấn công. Ảnh: Đông Tây 
Những tranh luận như trên khó phân định đúng sai nếu không có kết luận y khoa về tình trạng tâm thần của Việt Hương. Tuy nhiên, ở góc độ truyền thông sức khỏe, việc một người nổi tiếng cảnh báo trước đông đảo khán giả xem truyền hình một chứng bệnh nguy hiểm là điều rất cần thiết cho cộng đồng. Để bạn đọc có thêm thông tin về bệnh tâm thần phân liệt, chúng tôi ghi nhận ý kiến của chuyên gia.
Tâm thần phân liệt là bệnh nặng, mạn tính
PGS-TS-BS. Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm khoa Tâm thần - Học viện Quân y; Trưởng khoa Tâm thần - Bệnh viện Quân y 103 cho biết, tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần nặng, có các triệu chứng lâm sàng rất đa dạng, có thể phân thành: triệu chứng dương tính gồm các biến đổi quá mức của quá trình tư duy (hoang tưởng), tri giác (ảo giác), lời nói và thông báo (ngôn ngữ hỗn loạn), kiểm soát hành vi (hành vi thanh xuân và căng trương lực); triệu chứng âm tính (phẳng lặng cảm xúc, ngôn ngữ nghèo nàn, mất ý chí...). “Bệnh tâm thần phân liệt thường bắt đầu ở tuổi 25 và kéo dài suốt đời, gặp ở mọi tầng lớp xã hội. Triệu chứng phổ biến nhất, hay gặp nhất của bệnh là các hoang tưởng và ảo giác, chúng chi phối hành vi của bệnh nhân...”, PGS. Huy nói.
Hoang tưởng: là triệu chứng loạn thần cơ bản của bệnh, có các đặc trưng sau: sai lầm, cố định trên bệnh nhân, chi phối hành vi bệnh nhân, không phải là các niềm tin tôn giáo phổ biến, bệnh nhân mất hoàn toàn khả năng phê phán (không bao giờ thừa nhận ý nghĩ của mình là sai lầm). Nội dung hoang tưởng có thể bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, hay gặp nhất trong tâm thần phân liệt là: hoang tưởng thể bị hại, hoang tưởng liên hệ, hoang tưởng bị kiểm tra, hoang tưởng tự cao...
Ảo giác: ảo giác có thể ở bất kỳ giác quan nào nhưng ảo thanh là hay gặp nhất và đặc trưng hơn cho tâm thần phân liệt. Bệnh nhân nghe thấy những tiếng nói không có thật nhưng cho là thật. Thường được chia làm ảo thanh thật và ảo thanh giả. Ảo thanh thật là những tiếng nói bệnh nhân nghe thấy từ môi trường bên ngoài cơ thể. Những tiếng nói này rất rõ ràng, có thể phân biệt giọng đàn ông hay đàn bà, tiếng người quen hay người lạ... Ảo thanh thật có ở giai đoạn sớm của tâm thần phân liệt. Theo thời gian, ảo thanh thật dần chuyển thành ảo thanh giả. Ảo thanh giả là những tiếng người nói nhưng rất mơ hồ, xuất hiện trong cơ thể bệnh nhân. Bệnh nhân không thể phân biệt là giọng nói của ai, tiếng đàn ông hay đàn bà, người quen hay người lạ... Có khi ảo thanh giả được cảm nhận là ý nghĩ của chính bệnh nhân. Chúng giống như ý nghĩ của bệnh nhân vang lên thành tiếng.
Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tâm thần phân liệt, bệnh được nghĩ rằng do một số yếu tố khác nhau phối hợp gây ra: yếu tố gen di truyền (không phải do một gen gây ra, mà tổ hợp nhiều gen gây bệnh, nằm tại các vị trí khác nhau của các nhiễm sắc thể); yếu tố sinh hóa (vài chất hoá học trong não được nghĩ rằng có góp phần gây ra bệnh này, nhất là chất dopamine); yếu tố gia đình (bệnh nhân nhạy cảm với bất kỳ sự căng thẳng nào trong quan hệ gia đình mà đối với họ có thể liên quan tới sự tái phát bệnh); yếu tố môi trường (môi trường xung quanh quá nhiều sang chấn (stress) có thể thúc đẩy sự xuất hiện bệnh)... “Tâm thần phân liệt là một bệnh mạn tính. Rất ít người bệnh may mắn khỏi hẳn sau nhiều năm điều trị kiên trì. Sau mỗi đợt điều trị, bệnh thường ổn định, nhưng bệnh nhân khó trở về bình thường hoàn toàn như trước”, PGS. Huy nói.
Khó phòng tránh, dễ tái phát
Theo PGS. Huy, nguyên tắc điều trị tâm thần phân liệt gồm: cắt các triệu chứng loạn thần của giai đoạn cấp bằng thuốc an thần và các liệu pháp chuyên biệt; điều trị củng cố chống tái phát; phục hồi chức năng... Sử dụng liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp tâm lý nhóm lớn cũng có kết quả giúp bệnh nhân điều chỉnh hành vi, thích nghi với các căng thẳng tâm lý có trong môi trường sống. Cần lưu ý, liệu pháp tâm lý làm cho bệnh nhân phục hồi tốt hơn nhưng không thay thế được thuốc an thần. Lao động cũng là yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân phục hồi chức năng và góp phần chống tái phát. Bệnh nhân nên được bố trí việc làm hợp lý để có thu nhập và thấy mình sống có ích, sẽ tích cực điều trị.
Tâm thần phân liệt là căn bệnh chưa có cách phòng ngừa hiệu quả. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tâm thần phân liệt thì nên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những yếu tố khởi phát của bệnh và điều trị sớm. Mọi người cần xây dựng lối sống lành mạnh. Làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh để cơ thể bị căng thẳng, mâu thuẫn, xung đột; hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm lý...
“Hầu hết các bệnh nhân tâm thần phân liệt phải điều trị củng cố bằng thuốc an thần suốt đời. Nếu không điều trị củng cố sẽ có 60-70% số bệnh nhân tái phát sau một năm, gần 90% bệnh nhân tái phát sau hai năm. Sự tái phát phụ thuộc vào các yếu tố: thể bệnh và tiến triển của bệnh; không điều trị củng cố, hoặc điều trị củng cố quá ngắn; stress tâm lý mạnh; lạm dụng rượu và ma túy; bệnh cơ thể kết hợp”, PGS. Huy cho biết.
Theo Hà Lê - Tấn Huy/Nguoidothi.net.vn